Nông dân nuôi cá tra tiếp cận vốn vay 11%/năm
Trong đó, tỉnh An Giang đã giải ngân được 276 tỷ cho nông dân vay với mức lãi suất ưu đãi 11%/năm.
Còn tại tỉnh Vĩnh Long, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long cho biết, 6 hộ nông dân vay vốn Ngân Hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã tiếp cận được với lãi suất 11%/năm và hạ lãi suất cũ xuống còn 15%/năm.
Tại Đồng Tháp tổng dư nợ người vay nuôi cá tra đã được giảm là 9.564 tỷ đồng. Ngoài việc đi khảo sát để tiến tới cho vay theo mức lãi suất 11%, tại đây cũng đã có 9 ngân hàng đang tiếp tục trình Hội sở xem xét giảm lãi suất cho khách hàng vay nuôi cá tra với tổng số dư nợ khoảng 637 tỷ đồng.
Hiện dư nợ cho nuôi và chế biến cá tra ở tỉnh An Giang là 1.265,338 tỷ đồng; tỉnh Đồng Tháp 4.154 tỷ đồng; thành phố Cần Thơ dư nợ cho nuôi và chế biến cá tra 5.688 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến nay, hầu hết các khoản dư nợ cho vay để nuôi, thu mua và chế biến cá tra tại các tỉnh đều đã thực hiện điều chỉnh lãi suất cho vay dưới 15%.
Tuy nhiên, ông Điền cho biết thêm, một số ngân hàng thương cổ phần vẫn cho vay ở mức lãi suất cao 19-21%/năm, điều này gây khó khăn nhất định cho việc nuôi và chế biến cá tra.
Ông Điền phân tích, hiện nay, chi phí sản xuất thực tế cho 1 ha mặt nước nuôi cá tra không dưới 8 tỷ đồng, thời gian nuôi cá mất 8 - 10 tháng nên người nuôi cần vay vốn dài hạn. Trong khi đó ngân hàng chỉ cho vay vốn ngắn hạn với hạn mức vay chỉ vài trăm triệu đồng/ha, chỉ đủ chi phí cho 1 vụ nuôi.
Một khó khăn khác đối với người nuôi và chế biến cá tra là hiện nay tình trạng người nuôi và doanh nghiệp đã hết tài sản thế chấp nên việc tiếp cận với ngân hàng để vay mới là hết sức khó khăn, cho nên việc thực hiện chủ trương cho vay với lãi suất tối đa 11%/năm sẽ khó phát huy được hiệu quả cao.
Nguồn Chinhphu.vn