Ảnh: TL

 
Ngọc Thủy Thứ Năm | 28/11/2019 16:21

Nông dân lái Drone

Thiết bị bay không người lái (Drone) đang trở nên thịnh hành, mở ra cơ hội kinh doanh mới trong nhiều lĩnh vực.

Tháng trước, bà con nông dân ở xã Hưng Thịnh, Long An rất tò mò khi thấy “máy bay” bay qua lại trên cánh đồng. Đây là buổi trình diễn phun thuốc bảo vệ thực vật bằng drone của Lộc Trời.

Theo đó, dự tính, toàn bộ 25.000ha đồng ruộng, liên kết với nông dân sẽ được Lộc Trời thử nghiệm phun thuốc bằng drone. Theo tính toán chung, so với cách thức thông thường, công nghệ drone sẽ giúp Lộc Trời và người sử dụng tiết kiệm thời gian phun thuốc (chỉ 5-7 phút/công đất), tăng hiệu quả (trên 90%), tăng năng suất, tiết kiệm 90% lượng nước, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật (khoảng 20-30%), giảm thất thoát số lượng lúa (150-200 kg/ha) và nhất là bảo vệ sức khỏe nông dân. Vì thế, ngoài triển khai drone tại các vùng nguyên liệu của mình, Lộc Trời còn dự tính mở rộng cung cấp dịch vụ drone đến các hộ nông dân, hợp tác xã canh tác lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lộc Trời, cho biết: “Đây là bước chuyển đổi quan trọng, giúp Công ty đẩy mạnh số hóa trong nông nghiệp và cũng mở ra cơ hội kinh doanh mới”.

Thực tế, đầu tư một drone với các phụ kiện đi kèm như pin..., theo đại diện Agras (hãng nhập khẩu và phân phối drone), lên tới khoảng 500-600 triệu đồng. Đây là con số không nhỏ cho các hộ nông dân. Đó là chưa kể, để vận hành drone, phía sở hữu drone phải có chứng chỉ đào tạo và phải làm thủ tục xin giấy phép sử dụng.

 

Ông Nguyễn Văn Cang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Hưng (Long An), lưu ý, phí sử dụng drone hằng năm khá cao, khoảng 30 triệu đồng. Điều này lý giải vì sao, chỉ những đơn vị sở hữu cánh đồng lớn, diện tích nông nghiệp rộng như hợp tác xã, nhóm nông dân hoặc doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư drone. Ngay Lộc Trời buổi ban đầu cũng chỉ triển khai thăm dò, đầu tư 13 chiếc drone và tổ chức đội ngũ 33 phi công sử dụng drone. Nếu thuận lợi, Lộc Trời mới nâng số lượng drone lên con số hàng trăm. Khi đó, dịch vụ drone cho đồng ruộng sẽ là một mảng kinh doanh đáng chú ý của Lộc Trời.

Hiện tại, để thuê drone phun thuốc, các hộ nông dân thường chi khoảng 200.000 đồng/ha. Một vụ lúa, nông dân ước phải phun thuốc 5-6 lần, tức tốn từ 1-1,2 triệu đồng thuê drone phun thuốc cho mỗi ha ruộng lúa. Tính trên tổng diện tích hơn 1 triệu ha lúa vụ hè thu năm nay của đồng bằng sông Cửu Long, cơ hội cho Lộc Trời nói riêng và các doanh nghiệp kinh doanh drone nói chung là không nhỏ.

 

Trước Lộc Trời, đã có một số công ty đầu tư drone hoặc nhảy vào cung cấp dịch vụ cho thuê drone. Có thể kể ra các tên tuổi như Trung An, Hoàng Anh Gia Lai, ADC, Bayer Việt Nam... Trung An có 800ha lúa, mỗi năm phải chi khoảng 1 tỉ đồng cho nhân công phun thuốc. Nay với 2 chiếc drone tự đầu tư, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An, cho biết Công ty không còn tốn chi phí thuê nhân công.

Về phía nhà cung cấp drone, ngoài Agras còn có Quản Nông Xanh, Xanh và Xanh, Đại Thành. Tất cả các công ty này đều tham gia dưới danh nghĩa đại lý ủy quyền, phân phối drone cho các hãng sản xuất. Ví dụ, Agras là đại lý phân phối uy quyền của DJI, còn Quản Nông Xanh thì phân phối drone cho cả DJI, Eagle Brother. Theo iResearch, phần lớn các công ty sản xuất drone thương mại đến từ Trung Quốc và chỉ riêng DJI đã chiếm đến 70% thị phần toàn cầu. Năm ngoái, DJI của Trung Quốc đã bán 20.000 máy bay không người lái cho nông dân trong nước và khoảng 2.000 máy bay ở Nhật và Hàn Quốc.

 

Ở Việt Nam, mới có Công ty Real Time Robotics của ông Lương Việt Quốc là tự sản xuất drone. Với vốn 13,5 triệu USD và thuê hơn 9.000ha đất Khu công nghệ cao ở TP.HCM, sau hơn 1 năm kể từ khi thành lập Công ty ở Việt Nam (2017), ông Quốc đã có cơ sở sản xuất máy bay không người lái hiện đại, phát triển đồng bộ cả phần cứng và phần mềm. Tháng 11 năm ngoái, ông Quốc cho biết, sản phẩm drone cỡ lớn của Công ty sẽ được sản xuất hàng loạt, không chỉ bán trong nước mà đáp ứng mục tiêu chính là xuất khẩu sang Mỹ.

Theo ước tính của PwC, dịch vụ drone toàn cầu ước đạt 127 tỉ USD vào năm 2020, trong đó lớn nhất là lĩnh vực hạ tầng, nông nghiệp, vận tải, an ninh, truyền thông, bảo hiểm, viễn thông, khai thác mỏ... Còn trong báo cáo mới nhất của Grand View Research, thị trường drone dành cho người dùng thông thường sẽ đạt 4,19 tỉ USD vào năm 2024. Ở các quốc gia như Mỹ hay Trung Quốc, số lượng công ty tham gia vào lĩnh vực máy bay không người lái đã lên tới hàng ngàn trong khi Việt Nam mới đếm trên đầu ngón tay.

Tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia, Singapore, Thái Lan đều đang chạy đua để trở thành nơi thử nghiệm drone. Cụ thể, Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC) sẽ hợp tác với các tập đoàn đến từ Mỹ và châu Âu để phát triển drone trong nhiều lĩnh vực. Hay Singapore hy vọng ngành công nghiệp drone sẽ đóng vai trò chính trong nỗ lực trở thành trung tâm đổi mới của khu vực.

►Drone đã tới giờ cất cánh

Một công ty Trung Quốc đang thống trị thị trường drone toàn cầu

Amazon thử nghiệm giao hàng bằng máy bay không người lái