Nông dân ký gửi cà phê có nguy cơ mất trắng vì đại lý vỡ nợ
Sáng 12/5, hàng chục hộ dân hốt hoảng, tụ tập về nhà bà Đoàn Thị Niềm, chủ cơ sở thu mua, nhận ký gửi nông sản ở thôn 4, xã Ia Krai, huyện Ia Grai, Gia Lai sau khi nghe tin bà này tuyên bố vỡ nợ. Hầu như, toàn bộ tài sản là cà phê của các gia đình này đều nằm trong kho ký gửi của bà Niềm chờ giá lên sẽ bán.
Anh Phạm Văn Khiêm ở làng Lú 1, xã Ia Krai rầu rĩ nói: “Chờ cả buổi sáng, vợ chồng tôi chỉ nhận được tờ giấy nợ bằng tay mà không có một lời giải thích nào về chuyện vỡ nợ. Do nhà tôi không có kho bãi, cũng vì tin tưởng bà Niềm nên làm cả mùa vụ được 9 tấn cà phê nhân đều ký gửi vào đây hết, trị giá chừng 324 triệu đồng. Vợ chồng tôi đã cắm mấy cái bìa đỏ vay tiền đầu tư vào vườn tược, nay không biết bấu víu vào đâu”.
Người dân tụ tập trước nhà bà Niềm đòi nợ. |
Đứng gần đó, anh Nguyễn Văn Thiên ở xóm 4, thôn 4, xã Ia Krai nghẹn ngào nói: “Cách đây vài ngày, bà Niềm đến nhà tôi năn nỉ, bảo cho chị mượn vài tấn mang về trộn với cà phê xấu để dễ bán ra ngoài. Vì quen biết, cũng là chỗ uy tín lâu nay ở trong vùng nên tôi đành cho mượn. Không ngờ hôm nay nghe bà Niềm nói vỡ nợ khiến cả nhà đứng ngồi không yên. Giờ chuyện ra thế này rồi, chỉ hy vọng bà Niềm trả được đồng nào hay đồng đó thôi chứ không biết làm sao”.
Cùng chung cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Mát (thôn 4, xã Ia Krai) đòi không được tiền, trong khi lại đang xây nhà trị giá 500 triệu đồng, đến giai đoạn hoàn tất thì sự việc này lại xảy ra. Bà cho biết dành dụm qua 2 vụ cà phê, bà đem ký gửi trọn 11 tấn cà nhân chờ ngày chốt giá trả tiền xây nhà, nay có nguy cơ bị “bốc hơi”.
“Nhà xây gần xong, tiền công cán, vật liệu… còn chưa thanh toán thì nghe tin vỡ nợ, làm tôi bủn rủn tay chân. Lâu nay 'nhịn ăn, nhịn mặc' để dành tiền xây nhà, toàn bộ chi phí chăm sóc vườn còn đi vay nợ gần 300 triệu đồng vẫn chưa trả, 150 triệu vay ngân hàng đã đến kỳ đáo hạn. Nhà mới chưa xây xong thì nợ đã ngập đầu, nếu không lấy được tiền chỉ có nước bán nhà mới trả hết nợ”, bà Mát than thở.
Lý giải nguyên nhân ký gửi cà phê, bà T (thôn Thị tứ, xã Ia Krai) cho biết, thấy cà phê đầu mùa đang ở giá thấp 30.000 đồng một kg, bà dồn hết 8 tấn của nhà làm ra đem đi ký gửi, đồng thời vay mượn anh em, bà con ngoài quê Quảng Trị xuống tận vườn của nông dân mua thêm 17 tấn đem ký gửi hết cho bà Niềm với hy vọng, khi giá cà phê tăng lên trên 40.000 đồng một kg sẽ bán ra thu tiền chênh lệch. Vì lời nói của bà T hấp dẫn, nhiều người thân đã không ngại vét sạch gia sản, vay mượn thêm tiền đưa cho bà làm ăn lớn.
“Giờ tôi sợ lắm, không phải sợ không lấy được tiền mà chỉ sợ người nhà ngoài quê biết được. Cha tôi đã lớn tuổi, gia sản đều dồn cả vào đây nếu biết được tin này mình chưa chết thì ông đã xảy ra chuyện rồi. Trong khi gia đình tôi giờ còn nuôi 6 con nhỏ đang tuổi ăn học”, bà T lo lắng nói.
Nói về sự việc này, ông Trần Xuân Bốn cho rằng tin bà Niềm vỡ nợ là không đúng, đây là kế hoạch của bà Niềm lợi dụng sự tín nhiệm của người dân để trục lợi. Cách đây vài ngày, bà Niềm còn tổ chức thu mua, nhận ký gửi cà phê của rất nhiều người với lý do “lấy cà phê mới trộn với cà phê thối cho dễ bán”. Nhiều người không muốn ký gửi cũng bị bà Niềm nói lời ngon ngọt để “mượn”. Nhận được bao nhiêu cà phê của người dân, bà Niềm đều gửi cho đại lý Sơn Huyền (ở thị trấn Ia Kha). Hiện, trong kho bà Niềm không còn hạt cà phê nào. Riêng gia đình ông Bốn đã ký gửi 5,8 tấn cà nhân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đoài, Phó trưởng công an xã Ia Krai cho biết, khoảng 4 giờ chiều hôm 11/5, vợ chồng bà Đoàn Thị Niềm và ông Trương Công Kỳ đã mang đơn tường trình lên xã trình báo sự việc, đồng thời thông báo vỡ nợ và yêu cầu chính quyền địa phương hỗ trợ gia đình bà cùng người dân giải quyết sự việc. Theo đó, tổng số tiền mà bà Niềm đã nhận ký gửi của 44 hộ dân trên 7,5 tỷ đồng, hộ nhiều nhất là 48 tấn cà phê nhân.
Thiếu tá Phạm Chính Nghĩa, Đội trưởng hình sự Kinh tế, Ma túy, Công an huyện Ia Grai nhận định đây là vụ việc mang tính dân sự, chưa có dấu hiệu hình sự. Nguyên nhân bà Niềm tuyên bố phá sản là do làm ăn thua lỗ, chứ không phải cố tình chiếm đoạt tài sản, gia đình bà Niềm cũng không bỏ trốn khỏi địa phương. Hiện bà Niềm đã bán một ôtô, thu hồi sổ đỏ từ ngân hàng mang về để rao bán đất lấy tiền khắc phục hậu quả, trả tiền cho người dân. Hiện cơ quan điều tra vẫn tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Trên địa bàn Tây Nguyên trong vài năm qua có rất nhiều vụ đại lý thu mua nông sản tuyên bố vỡ nợ, nguyên do đều là làm ăn thua lỗ và người chịu thiệt luôn là nông dân, còn chủ cơ sở, đại lý thường phủi tay “coi như tai nạn ngoài ý muốn”. Do đó, người dân muốn lấy được tiền phải đơn từ, thưa kiện nhiều nơi, nhưng cũng khó đòi được. Trong khi chủ nợ lại thảnh thơi nói “tôi không lừa đảo, không chạy trốn, giờ tài sản không có trong tay… chờ khi nào có thì sẽ trả. Nếu muốn kiện thì sẽ theo hầu". Và dĩ nhiên, hành vi như vậy chỉ là “mang tính dân sự” nên người dân muốn thưa kiện, khép tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản rất khó.
Nguồn Vnexpress