Nông dân góp cổ phần bằng đất
Hiện nay ở Thanh Hóa, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đang áp dụng mô hình nông dân góp vốn bằng đất với thời hạn 20 năm. Hết thời hạn này, đất lại thuộc về nông dân...
Một cách làm hay
Nhằm giúp người nông dân phát triển kinh tế, đổi mới cách tổ chức sản xuất nông nghiệp, sớm khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng chuyên canh tập trung sản xuất hàng hóa… huyện Triệu Sơn và Công ty CP Mía đường Lam Sơn phối hợp chính quyền xã Vân Sơn (Triệu Sơn) xây dựng mô hình công ty cổ phần nông-công nghiệp dịch vụ thương mại.
Theo cách này, người nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với thời hạn 20 năm, hết thời hạn này thì đất lại thuộc về nông dân. Công ty bỏ vốn hàng năm tổ chức sản xuất, người nông dân vẫn canh tác trên ruộng mía của họ mà không phải lo đầu tư giống, vốn, kỹ thuật, lại được tính thêm tiền công lao động. Nông dân được chia 30% số tiền từ doanh thu bán mía cho công ty mẹ. Công ty dành 10% lợi nhuận để xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất... Mô hình này đã tạo ra thuận lợi: Doanh nghiệp có vùng nguyên liệu mía ổn định, có điều kiện để xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, người nông dân vẫn có việc làm, thu nhập ổn định, và đặc biệt họ vẫn có quyền giám sát phần đất của mình. Khi hết thời hạn cho thuê đất, nông dân được lấy lại đất của mình.
Dẫn chúng tôi đi thăm vùng mía 75ha đang thời kỳ thu hoạch, ông Lê Việt Cường - Giám đốc Công ty CP Nông - Công nghiệp, dịch vụ, thương mại Vân Sơn cho biết: Đây là những cánh đồng lớn đã được người dân nhượng đất lại cho Công ty Vân Sơn trồng mía cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần trồng lúa. Ông Lê Quang Hải - Chủ tịch UBND xã Vân Sơn giải thích: “Hơn 300 hộ ở 17 xã tự nguyện góp đất tham gia trồng mía, bước đầu được gần 250ha. Trước hiệu quả vượt trội, hiện nay diện tích đăng ký trồng mía ở Bá Thước đã tăng thêm 700ha. Còn tại Vân Sơn, hiện nay đã có 7/10 thôn và 492 hộ dân góp đất thành lập công ty cổ phần, với diện tích 75ha. Với mô hình này, xã Vân Sơn đã, đang chuyển dịch được cơ cấu lao động nông nghiệp đáng kể”.
Nông dân hưởng cổ tức từ đất
Theo ông Lê Việt Cường, công ty sẽ trả cho nông dân 1 sào/năm là 300kg thóc. Trước tiên, công ty trả cho họ mỗi sào là 500.000 đồng, trả “một cục” 5 triệu đồng cho 1 sào/10 năm (tương đương 80kg thóc/sào), số thóc 2,2 tạ còn lại sẽ trả đúng thời điểm cho 2 vụ trong năm, để bảo đảm lương thực cho người dân. Trong trường hợp giá cả lên xuống thất thường hoặc ruộng mía bị mất mùa, thì công ty vẫn cam kết chi trả đúng định mức như đã quy định, vì vậy đã tạo ra được sự an tâm cho người dân. Bên cạnh số tiền người dân được nhận ban đầu và số thóc (quy tiền) mỗi vụ, thì người dân sẽ được chia cổ tức trên mỗi sào ruộng (tính từ vụ thứ tư trở đi). Ngoài ra, mỗi công lao động được công ty chi trả 150.000 đồng/ngày; nếu tham gia trồng, chăm sóc, thu hoạch mía, hoặc hộ nào đảm nhận một sào được công ty trả công 1,7 triệu đồng/vụ.
Chị Nguyễn Thị Như (thôn 5, xã Vân Sơn) phấn khởi cho hay:
“Điều cốt lõi là gia đình tôi vẫn là chủ thể được cấp quyền sử dụng đất. Các hộ có đất cho thuê lại được ưu tiên bố trí việc làm, có thu nhập ngay trên mảnh đất của mình...”.
Ông Nguyễn Văn Đông (thôn 6) cho biết, gia đình ông tham gia góp 6,5ha đất trồng mía cho công ty và đã nhận được tiền hỗ trợ ban đầu hơn 30 triệu đồng/10 năm, chưa kể hằng năm được nhận thêm 2,2 tạ thóc và lợi nhuận được nhận từ năm thứ tư khi ruộng mía đạt năng suất như theo cam kết của công ty. Cụ thể: Nếu 1 sào mía cho năng suất 9 tấn/ha, thì trừ 4,5 tấn theo quy định, số 4,5 tấn mía còn lại gia đình ông sẽ được hưởng 50%, có nghĩa mỗi sào mía người nông dân sẽ được chia cổ tức thêm 2,2 tấn mía/ha/năm. Như vậy, cùng với số tiền 30 triệu đồng hỗ trợ ban đầu, nếu gia đình gửi tiết kiệm, mỗi tháng cũng hưởng lãi được 500.000 đồng nữa...
(Theo Dân Việt)