Nới “room” nhưng hạn chế
Khó thực hiện và quản lý
Trên thực tế, việc triển khai thực hiện và quản lý các cổ phiếu (CP) này lại không dễ. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều chỉ có một loại CP phổ thông và đều có quyền biểu quyết ngang nhau nên sẽ khó trong việc phát hành và quản lý, theo dõi nếu thêm loại cổ phiếu mới. Theo ông Lê Đình Minh Phương - Trưởng phòng Phân tích Công ty chứng khoán KIS Việt Nam - ở Việt Nam chưa có thông lệ về loại CP ưu đãi nhưng không có quyền biểu quyết. Đây là loại CP chỉ được phát hành cho các cổ đông chiến lược hoặc cho cổ đông sáng lập để nắm giữ và chống lại việc doanh nghiệp bị thâu tóm. Đi kèm với loại CP này là những điều kiện cụ thể như 1.000 CP ưu đãi mới tương đương 1 quyền biểu quyết. Thông thường giá giao dịch CP ưu đãi sẽ thấp hơn giá CP phổ thông từ 15 - 30% tùy các điều kiện đi kèm nên việc đưa vào giao dịch loại CP này trên sàn cũng phải được thực hiện riêng. Vậy CP không có quyền biểu quyết được giao dịch chung hay riêng với CP có quyền biểu quyết thông thường? Làm sao để phân biệt và tách bạch được số lượng CP này... là vấn đề cần phải làm rõ trước khi tiến hành.
TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) - nhận định: Không có thị trường chứng khoán (TTCK) nào phân chia ra loại CP có quyền biểu quyết và không được biểu quyết. Nếu có chỉ là loại CP ưu đãi hoặc giới hạn số lượng CP được quyền trong tổng số CP phát hành mới cho cổ đông chiến lược. Do đó sẽ rất khó để quản lý cùng lúc hai loại CP có quyền và không có quyền biểu quyết cả về góc độ quản lý nhà nước và bản thân DN phát hành.
Không mặn làm "bù nhìn"
Mục tiêu của việc tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) bằng CP không có quyền biểu quyết để thu hút thêm vốn ngoại vào TTCK. Nhưng rõ ràng, điều này chưa đủ hấp dẫn để họ bỏ thêm vốn vào Việt Nam.
Công ty chứng khoán TP.HCM nhận xét, tác động nói chung đối với thị trường của đề xuất nói trên sẽ khá hạn chế. Thậm chí, nếu được đưa vào niêm yết và giao dịch với mã chứng khoán riêng và được giao dịch riêng rẽ, các CP không có quyền biểu quyết cũng có thể làm loãng hay giảm thanh khoản của những CP này.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Đình Minh Phương cho rằng, trong mắt của các NĐTNN, công tác quản trị của nhiều DN Việt Nam vẫn còn yếu kém và không minh bạch. Vì vậy khi đầu tư, họ đều muốn tham gia vào công tác điều hành hay có đóng góp ý kiến nhằm cải thiện tình hình quản trị để thúc đẩy hoạt động phát triển hơn. “Các NĐTNN mà nhất là các tổ chức, quỹ đầu tư sẽ không chấp nhận việc trở thành cổ đông mà không có quyền biểu quyết. Như thế chỉ là cổ đông bù nhìn trong khi phải bỏ ra số tiền lớn để mua CP”, ông Lê Đình Minh Phương nhận xét.
Tương tự theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC - nếu chỉ giới hạn phát hành CP không được biểu quyết cho các cổ đông chiến lược thì quy định này sẽ không tác động nhiều đến TTCK. Hơn nữa loại CP này chỉ phù hợp cho một vài DN cực kỳ tốt và có tốc độ tăng trưởng cao, đi kèm với chính sách cổ tức hấp dẫn thì mới đủ sức thu hút được nhà đầu tư tham gia khi phát hành mới. Đặc biệt chính đối tượng của quy định này hướng tới là các NĐTNN sẽ khó chấp nhận việc bỏ nhiều tiền ra đầu tư mà không được lên tiếng góp ý vào hoạt động của công ty. Vì vậy nếu muốn thu hút thêm vốn của họ, nên tăng room mà không phải hạn chế ở số CP không được biểu quyết. Có thể đưa ra những điều kiện linh hoạt khác như tỷ lệ CP sẽ được quyền biểu quyết theo thời gian nắm giữ của nhà đầu tư. Khi đó sẽ tạo ra sự sôi động hơn trên thị trường.