Nới room ngoại: Doanh nghiệp kinh doanh đa ngành gặp khó
Câu chuyện nới room vẫn cần nhiều thời gian để đi đến hồi kết. Tại hội thảo do UBCK tổ chức sáng 13/8, vấn đề quan trọng liên quan ngành nghề đăng ký kinh doanh và tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã được bàn luận sôi nổi.
Tại hội thảo triển khai Nghị định số 60/2015/NĐ-CP, có nhiều ý kiến bày tỏ về những vấn đề liên quan đến ngành nghề khi triển khai thực tế nới việc room.
Một trong những vấn đề nổi cộm là phần lớn doanh nghiệp trên sàn đang kinh doanh đa ngành nghề. Lấy ví dụ về các trường hợp như FPT, TCM, đây đều là những doanh nghiệp đa ngành nghề. Bản thân những doanh nghiệp này cũng không biết được có thuộc nhóm được nới room hay không khi trong đăng ký kinh doanh của họ có ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Hay như trường hợp của VNM dù SCIC đang chuẩn bị lộ trình thoái vốn thì doanh nghiệp hàng đầu này cũng có đăng ký kinh doanh các mảng bia, rượu, bất động sản.
Chính những ngành kinh doanh có điều kiện này có thể sẽ khiến cho doanh nghiệp không được nới room do sự điều chỉnh của Luật đầu tư.
Giải đáp thắc mắc về vấn đề, ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết doanh nghiệp cần phải xem lại các ngành nghề đã đăng ký và kiểm tra thông qua trích xuất ngành nghề tại Cổng thông tin quốc gia.
Ông Long cũng lưu ý không phải cứ nằm trong 267 ngành nghề của doanh nghiệp là chịu sự điều chỉnh về quy định quản lý room. Bởi vì trong 267 ngành nghề này có quy định 3 loại là ngành nghề nhà nước nắm giữ liên quan như an ninh quốc phòng, ngành nghề có quy định về tỷ lệ sở hữu và cuối cùng là ngành nghề không hạn chế sở hữu.
Sắp tới đây, Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ trình lên Chính phủ danh sách 300 ngành kinh doanh có điều kiện áp dụng cho nước ngoài. Danh sách này vẫn cần sự góp ý của nhiều bộ ngành và cũng chịu sự điều tiết của các hiệp định thương mại Việt Nam đang đàm phán.
Theo quy định, doanh nghiệp đa ngành nghề thì chỉ được áp dụng tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất trong các ngành nghề có điều kiện đã đăng ký (dù có đóng góp hay không đóng góp vào doanh thu). Đại diện của UBCK cho rằng doanh nghiệp phải xem lại cấu kinh doanh của mình. Theo Luật Đầu tư mới việc đăng ký kinh doanh rất đơn giản nên việc thêm bớt ngành nghề kinh doanh sẽ không gặp nhiều khó khăn.
Trường hợp ngoại lệ chỉ xảy ra khi doanh nghiệp đã được nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 51% nhưng lại mở thêm ngành nghề có điều kiện về room thì khi đó sẽ phải giữ nguyên tỷ lệ sở hữu nước ngoài hoặc giảm bớt tỷ lệ.
Nguồn Diễn đàn đầu tư