Nới room ngoại có thực sự thúc đẩy chứng khoán?
Thị trường chứng khoán (TTCK) đã có phiên tăng điểm ngoạn mục cuối tuần trước khi dòng tiền đổ vào các cổ phiếu lớn, tạm chấm dứt 4 phiên điều chỉnh khá mạnh trước đó. Lý do được cho là thông tin sẽ nới room cho khối ngoại thêm 10% bằng cổ phiếu không có quyền biểu quyết, có thể sẽ được áp dụng trong vòng 2 tháng tới. Tuy nhiên, lần tăng điểm này còn có sự đóng góp từ bàn tay tạo lập thị trường của nhà đầu tư lớn.
Thông tin có tác động tâm lý lớn đến nhà đầu tư khi nhiều cổ phiếu hiện hết room ngoại được giao dịch mạnh, có mã đã tăng trần trở lại trong phiên cuối tuần trước. Đơn cử như cổ phiếu JVC của Công ty cổ phần thiết bị y tế Việt Nhật. JVC lãi 170 tỷ đồng năm 2012, EPS gần 5.000 đồng vào ngày 23/1. Giá cổ phiếu này giữ nguyên mức 21.000 đồng/cổ phiếu, đến khi có thông tin nới room, JVC đã lập tức tăng trần. Hiện khối ngoại đã sở hữu tối đa cổ phần ở công ty này và chỉ chờ cơ hội mua thêm.
Tuy nhiên, giải pháp cho phép nhà đầu tư mua thêm 10% cổ phần không có quyền biểu quyết của công ty niêm yết được thực hiện cụ thể như thế nào vẫn còn là dấu hỏi. Nhiều khả năng, số cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài có thể mua thêm sẽ được phân biệt với cổ phiểu hiện đang niêm yết, như sẽ có mã niêm yết riêng.
Khi đó, cầu thực tế đối các cổ phiếu đang lưu hành không thực sự tăng thêm. Vì thế, tác động nếu có hiện tại của thông tin nới room ngoại đối với các cổ phiếu liên quan nhiều khả năng dựa trên sự phỏng đoán của nhà đầu tư trong nước với hy vọng rằng, cổ phiểu mình mua hôm nay sẽ là thứ mà các nhà đầu tư nước ngoài săn tìm khi họ được phép mua thêm trong thời gian tới.
Tác động đến doanh nghiệp không nhiều
Theo một cuộc khảo sát với giám đốc điều hành của 5 công ty niêm yết lớn về quy định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng gì đến công ty mình, các giám đốc của các công ty còn room cho rằng không ảnh hưởng gì, còn giám đốc các doanh nghiệp hết room tỏ ra không quan tâm lắm đến quy định này.
Trong khi đó, trên thị trường, còn khá nhiều ý kiến nghi ngờ về tính hiệu quả của quy định áp dụng cổ phiếu không có quyền biểu quyết tại thị trường Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài liệu có thực sự sẵn sàng giao nhiều tiền hơn cho những người có nhiều quyền định đoạt doanh nghiệp hơn mình. Hiện nay, do có hạn chế về room nên bên nước ngoài muốn chi phối doanh nghiệp đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của tổ chức trung gian trong nước.
Tổ chức trung gian sẽ gom cổ phiếu của công ty và đứng về phía nhà đầu tư nước ngoài trong các quyết định về quản trị. Lợi ích mà bên trung gian được hưởng là tỷ lệ cổ tức được chia khi công ty kinh doanh tốt hơn dưới sự điều hành của nhà đầu tư nước ngoài. Xa hơn, số cổ phiếu gom được đó có thể được chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài với giá cao nếu công ty hủy niêm yết hay nới room trong tương lai.
Cái cớ cho các nhà đầu tư lớn
Trở lại với đợt tăng điểm cuối tuần qua của thị trường, bề ngoài có vẻ như chịu tác động tâm lý bởi quy định nới room vốn ngoại, nhưng đằng sau đó có bóng dáng tạo lập thị trường của nhà đầu tư lớn.
Nếu như ở sóng tăng điểm đầu tiên, nhà đầu tư nội bị động trước lực mua mạnh mẽ của nhà đầu tư ngoại thì sau đó, nhà đầu tư lớn trong nước đã nhập cuộc một cách bài bản. Họ mua cổ phiếu giá thấp trong phiên và chờ đợi những phiên điều chỉnh để tiếp tục gom hàng, tiếp tục đẩy thị trường đi lên. Những cổ phiếu nhà đầu tư lớn trong nước lựa chọn cũng là những cổ phiếu có lực cầu mạnh của nhà đầu tư nước ngoài.
Sở dĩ nhà đầu tư lớn trong nước tự tin hành động lúc này vì những thông tin tích cực từ thị trường thế giới như vấn đề khủng hoảng nợ châu Âu đã lắng xuống và hứa hẹn sẽ giải quyết xong trong 2013, chứng khoán Mỹ cũng tăng cao…
Môi trường kinh tế thế giới khởi sắc là điều kiện thuận lợi để dòng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân vào thị trường Việt Nam còn đang hấp dẫn so với thị trường trong khu vực. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hỗ trợ về cả thông tin vĩ mô trong nước và thế giới.
Nguồn Đầu tư chứng khoán