Nới room "kích" dòng vốn ngoại
Sau tháng 5 khá trầm lắng, từ nửa sau tháng 6 đến nay, thị trường chứng khoán Việt nam đã sôi động trở lại, tiến dần đến cột mốc 600 điểm. Sự phấn khích này một phần đến từ việc tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục khả quan trong quý II/2015, nhưng một nhân tố quan trọng khác là thị trường kỳ vọng sẽ có một lượng vốn ngoại lớn đổ vào Việt Nam trong thời gian tới. Đó là nhờ vào chính sách nâng tỉ lệ sở hữu cho người nước ngoài, hay còn gọi là nới room, mới được Thủ tướng phê chuẩn gần đây.
Tuy vậy, không phải mọi công ty đều được áp dụng giới hạn tỉ lệ sở hữu giống nhau. Những lĩnh vực kinh doanh có quy định điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần chờ các bộ ngành ban hành các thông tư quy định tỉ lệ sở hữu cụ thể. Trong các trường hợp còn lại, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được sở hữu không hạn chế đối với các công ty đại chúng ở Việt Nam, tức có thể lên tới 100%.
Nhưng trước mắt, các công ty chứng khoán như SSI, HSC, các công ty quản lý quỹ sẽ được hưởng lợi ngay lập tức từ chính sách nới room này, vì chắc chắn không thuộc diện lĩnh vực kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư ngoại, theo ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Bước đi mở room của Việt Nam khiến nhiều người bất ngờ, bởi trước đó những thông tin thảo luận và kiến nghị chỉ kỳ vọng Chính phủ sẽ nâng trần giới hạn cho khối ngoại từ 49% lên 60% mà thôi.
Trong chính sách nới room, Việt Nam đang “chơi sang” khi so sánh với một số quốc gia lân cận. Hiện Philippines vẫn giữ tỉ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài là 40%, con số tương ứng của Thái Lan là 49%. Trong khối ASEAN, tất nhiên không tính Singapore thì quốc gia có độ mở tương tự như Việt Nam là Indonesia.
Chính vì lẽ đó, động thái mới của Chính phủ được kỳ vọng sẽ khiến thị trường chứng khoán cũng như các doanh nghiệp Việt trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khối ngoại. Hiện trên thị trường các mã cổ phiếu hàng đầu đã được phủ hết room cho khối ngoại như FPT, REE, Vinamilk. Đây là các mã được dự đoán sẽ tiếp tục được khối ngoại mua thêm khi Nghị Định 60 có hiệu lực kể từ tháng 9 năm nay.
Một bước tiến khác của Chính phủ là cho phép tỉ lệ sở hữu của người nước ngoài ưu tiên tuân theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia như TPP hay Cộng đồng kinh tế chung ASEAN hay trước đó là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Đây là một sự kiện bước ngoặt góp phần giúp Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết với tư cách thành viên của WTO. Đó cũng sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ để các cổ phiếu của Việt Nam góp mặt trong chỉ số MSCI về các thị trường mới nổi, vốn đang thu hút 1.400 tỉ USD vốn đầu tư toàn thế giới. Chúng tôi kỳ vọng việc tham gia vào chỉ số này sẽ giúp thị trường Việt Nam tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và có triển vọng tăng 15-20% trong thời gian sắp tới”, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital, nhận định.
Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital - Ảnh: Trường Nikon |
Từ đầu năm đến nay, dòng vốn quốc tế đổ vào chứng khoán Việt Nam khá khiêm tốn. Ví dụ, quỹ Market Vectors Vietnam ETF tính đến ngày 26.6 chỉ hút ròng được khoảng 57 triệu USD, giảm hơn phân nửa so với con số 140 triệu USD đạt được cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu của quỹ Dragon Capital, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có quy mô khá nhỏ so với các quốc gia lân cận khi hiện chỉ đạt 60 tỉ USD giá trị vốn hóa. Hệ số P/E (giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) của thị trường cổ phiếu Việt Nam hiện đang được giao dịch ở mức 12 lần, thấp hơn khoảng 30% so với các thị trường khác trong khu vực.
Chính vì vậy, trong khi nguồn lực của nhà đầu tư trong nước còn hạn chế, thậm chí còn bị siết chặt theo Thông tư 36 được ban hành trước đó, thì việc tìm kiếm các nguồn lực mới từ khối ngoại là điều cần thiết để thúc đẩy thị trường đi lên. Hiện trên thị trường đã có 31 công ty hết room cho khối ngoại và gần 10 công ty đang chuẩn bị hết room. Hầu hết đều là những công ty tốt và đang chiếm khoảng 30% vốn hóa toàn thị trường.
Bên cạnh đó, khối ngoại cũng sẽ có cơ hội nhiều hơn trong việc tiếp cận tài sản từ quá trình cổ phần hóa hàng trăm doanh nghiệp nhà nước trong năm nay và các năm sau, đặc biệt khi tiến trình này đang diễn ra quá chậm. Kết quả thực hiện 6 tháng qua chỉ đạt 21% kế hoạch năm và do đó cần nhiều động lực để thúc đẩy đi nhanh hơn.
Tính đến nay, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại, thậm chí ngay cả đối với thương vụ IPO của Vietnam Airlines. Một phần cũng là vì nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với tỉ lệ sở hữu cho phép quá thấp khiến họ không có tiếng nói đáng kể trong các quyết định của Công ty.
Một ngành nghề khác mà nhà đầu tư đang thấp thỏm về tỉ lệ sở hữu của nước ngoài là ngân hàng. Hiện trần giới hạn cho khối ngoại đang là 30% nhưng Chính phủ nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tỉ lệ này cao hơn trong thời gian tới. Một khi có thêm luồng gió mới từ khối ngoại, hệ thống ngân hàng Việt sẽ có thể đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc của mình. Mới đây, BIDV cho biết sẽ bán 15-20% cổ phần cho các đối tác chiến lược và thêm 10% cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm tới.
Nhưng theo Dragon Capital, dù Nghị định 60 đã là một bước tiến lớn nhưng sẽ còn nhiều việc phải làm. Việc phân loại hàng trăm ngành nghề kinh doanh khác nhau với tỉ lệ sở hữu phù hợp cho cả Việt Nam và các hiệp định quốc tế sẽ cần tốn thêm thời gian, có thể lên đến 12 tháng sau khi nghị định này ban hành.
Ngoài ra, việc Chính phủ cho phép khối ngoại có cơ hội lớn hơn trong việc sở hữu các doanh nghiệp Việt vô hình trung sẽ tạo ra áp lực chống thâu tóm đối với các chủ doanh nghiệp trong nước. Hiện xu hướng M&A đang ngày một nóng hơn ở Việt Nam. Theo Viện Hợp nhất, Thâu tóm và Liên minh, tổ chức theo dõi các thương vụ M&A trên toàn cầu, giá trị các thương vụ M&A trong nửa đầu năm nay ở Việt Nam đã đạt khoảng 1,9 tỉ USD, cao nhất trong 3 năm qua. Tổ chức này dự báo thị trường M&A có liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ đạt kỷ lục mới 4,5 tỉ USD trong năm nay, cao hơn 300 triệu USD so với kỷ lục đạt được vào năm 2012.
Nguyễn Sơn