Nới room công ty chứng khoán: Ưu thế cho ông lớn
Với Nghị định 60 do Chính Phủ ban hành cùng Thông tư 123 đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước điều chỉnh theo hướng giảm bớt điều kiện, nhà đầu tư nước ngoài đã có thể rót vốn vào các công ty chứng khoán tại Việt Nam mà không bị giới hạn về tỉ lệ sở hữu (room) cũng như không cần chờ thêm một thủ tục nào nữa.
Đây là thông tin đã được mong chờ từ lâu. Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) xung phong mở toang cánh cửa nhà mình ngay từ đầu tháng 9 này. Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng từng cho biết sẽ triển khai nới room lên mức tối đa khi thông tư hướng dẫn được ban hành.
Như vậy, 2 công ty chứng khoán dẫn đầu thị trường đã bật tín hiệu cho khối ngoại tham gia đầu tư vào doanh nghiệp. Hiện nay, nếu căn cứ quy định cũ, cả 2 công ty đều đã đụng trần hạn mức room cho phép.
Không riêng SSI, HSC, theo thống kê sơ lược, trong tổng số 81 công ty chứng khoán đang hoạt động bình thường, hơn 40 công ty chứng khoán đã được khối ngoại đầu tư. Nhiều tổ chức như Morgan Stanley, Citibank, Nikko Cordial, SMB Securities, Woori, Korea Investment and Securities (KIS), Mirae Asset Securities, CIMB, Kenanga... đều đầu tư trực tiếp vào ngành chứng khoán. Tuy nhiên, mới chỉ khoảng 10 công ty chứng khoán được rót vốn ở mức tối đa: 49% vốn điều lệ và chỉ duy nhất Maybank Kim Eng là công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài trên thị trường.
Vốn ngoại tại 10 công ty chứng khoán dẫn đầu về môi giới |
Điều này cho thấy khối ngoại còn e dè khi đầu tư vào các công ty chứng khoán. Thực tế, những công ty chứng khoán tốp đầu như SSI, HSC, VNDirect (VNDS) mới được chấm điểm cao. Bằng chứng là các công ty này thường trong tình trạng kín room.
Việc tạo điều kiện để công ty chứng khoán sớm triển khai nới room 100% thực chất là để các công ty chứng khoán tốt, có vị thế dễ dàng, thuận lợi trong thu hút dòng vốn ngoại.
Có nhiều lý do để những công ty chứng khoán tốt vẫn phải cần đẩy mạnh thu hút vốn ngoại. Thứ nhất, theo những phương án, dự thảo liên quan, muốn triển khai các sản phẩm mới như giao dịch trong ngày, kinh doanh chứng khoán phái sinh…, các công ty chứng khoán phải đạt quy mô vốn lớn. Tuy nhiên, nhìn trên dữ liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mới chỉ có 19 công ty chứng khoán có vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng trở lên. Số công ty chứng khoán có vốn điều lệ trên 1.000 tỉ đồng còn khiêm tốn hơn.
Thứ hai, các công ty chứng khoán cần đến sự trợ lực từ nhà đầu tư nước ngoài về mặt quản trị và chiến lược. Nhà đầu tư nước ngoài thường đến từ các thị trường đã phát triển hơn Việt Nam, nên họ có những hiểu biết và trải nghiệm về sản phẩm mới, có tư duy chiến lược phù hợp... Với sự tham gia mạnh mẽ, toàn diện của nước ngoài, các công ty chứng khoán Việt Nam sẽ có thể tận dụng các cơ hội cũng như tìm ra lợi thế cạnh tranh tốt hơn.
Mặt khác, khi thị trường chứng khoán phát triển lên một bước cao hơn, cạnh tranh trong ngành chứng khoán sẽ không còn tập trung vào môi giới như hiện tại mà sẽ cạnh tranh nhau bằng công nghệ, dịch vụ chăm sóc khách hàng, vốn và đặc biệt là đội ngũ tư vấn tốt. Đây đều là những hoạt động cần đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc. Nếu có thêm sự trợ lực từ các tổ chức ngoại dồi dào về tài chính và kinh nghiệm thì sẽ càng thêm sức mạnh cho các công ty chứng khoán.
Tuy nhiên, ông Vicente Nguyễn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán HVS Việt Nam, lưu ý nếu chỉ nới room thì vẫn chưa đủ để thu hút dòng vốn ngoại, bởi điều thôi thúc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư là ở sức hấp dẫn từ hàng hóa và quy mô thị trường.
Hiện tại, sau 15 năm hình thành, dù thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định, nhưng quy mô vốn hóa mới chỉ đạt 55 tỉ USD, chưa tới 45% GDP và còn thấp so với các nước trong khu vực ASEAN. Giá trị giao dịch trung bình toàn thị trường chỉ đạt khoảng 88 triệu USD/ngày, thua xa Philippines (426 triệu USD/ngày), Indonesia (528 triệu USD/ngày), Malaysia (625 triệu USD/ngày), Thái Lan (1,5 tỉ USD/ngày).
Việt Nam cũng chưa có công ty niêm yết nào đạt mức vốn hóa 30 tỉ USD như các nước trong khu vực. Số lượng công ty Việt Nam niêm yết tại sàn TP.HCM có vốn hóa trên 1 tỉ USD mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi Thái Lan là 23 công ty. Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX), từng xác nhận: “Chính vì còn quá nhỏ bé nên thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài”.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng còn khá đơn điệu khi hàng hóa mới chỉ dừng ở mức cơ bản với các loại trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Trong khi đó, sự thu hút của thị trường chứng khoán thường đến từ những sản phẩm phụ trợ, phái sinh, phục vụ cho những mục đích đầu tư khác nhau. Vì thế, trong định hướng sắp tới, ưu tiên của cơ quan nhà nước là tìm cách khắc phục dần những hạn chế nói trên.
Một vấn đề nữa, theo ông Vicente Nguyễn, là ngay cả khi nhà đầu tư ngoại sẵn sàng tham gia vào một công ty chứng khoán nào đó, các công ty chứng khoán vẫn luôn cần thời gian để thay đổi. Chẳng hạn, trước khi bắt tay vào thúc đẩy tăng trưởng, nhà đầu tư nước ngoài cần 1-2 năm cho các công việc liên quan đến tái cơ cấu và hiểu được văn hóa kinh doanh tại Việt Nam. Nhưng hiểu văn hóa kinh doanh ở Việt Nam, chấp nhận nó và phát triển cùng nó không dễ chút nào. Chính vì vậy, một số công ty chứng khoán dù được nước ngoài rót vốn thì vẫn đang loay hoay tìm bài toán kinh doanh phù hợp tại Việt Nam.
Đơn cử, năm 2010, KIS, 1 trong 5 công ty chứng khoán lớn nhất tại Hàn Quốc bỏ ra gần 130 tỉ đồng, mua 49% cổ phần tại Công ty Chứng khoán Gia Quyền và đổi tên thành Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam. Trước KIS, Công ty Chứng khoán Woori, cũng thuộc top 5 công ty chứng khoán tại Hàn Quốc, đã mua 49% cổ phần của Công ty Chứng khoán Biển Việt và đổi tên thành Woori CBV. Hay Mirae Asset, Golden Bridge đều rót 49% vốn vào các công ty chứng khoán tại Việt Nam. Nhưng đến nay, KIS Việt Nam, Woori CBV, Mirae Asset .. vẫn chìm lỉm trên thị trường, còn Golden Bridge Việt Nam (GBVS), Chứng khoán CIMB - Vinashin, Chứng khoán Kenanga Việt Nam, Chứng khoán Tonkin... đã dừng giao dịch hoặc bị kiểm soát đặc biệt.
Ngọc Thủy