Ảnh: QH

 
An Mỹ Thứ Ba | 03/03/2020 10:00

Nới lỏng tiền tệ: “Lấy dầu dập lửa”

Chính sách nới lỏng tiền tệ có rất ít dư địa để phát huy tác dụng.

Dịch bệnh COVID-19 lây lan ở 54 quốc gia, vùng lãnh thổ đã và đang tàn phá nền kinh tế toàn cầu khi vừa làm giảm cầu tiêu thụ, vừa làm trì trệ các hoạt động sản xuất. Quỹ Tiền tệ Quốc tệ (IMF) đánh giá dịch bệnh có thể đe dọa đà phục hồi vốn dĩ mong manh của kinh tế thế giới.

Nền kinh tế đình trệ sẽ khiến nhiều người nghĩ ngay đến các gói cứu trợ, các chính sách nới lỏng tiền tệ để kích cầu. Một số nước ở khu vực Đông Nam Á đã có động thái cắt giảm lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Ngân hàng Trung ương Philippines đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3,75%. Trước đó, Thái Lan cũng hạ lãi suất xuống còn 1% trong bối cảnh ngành du lịch bị thiệt hại nặng vì dịch COVID-19.

 

 Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Philippines cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25% một phần vì tác động của COVID-19, nhưng phần lớn vì trước đó họ đã tăng lãi suất quá mạnh đến 1,75% vào năm 2018. Ngoài ra, bóng đen COVID-19 còn làm giảm đáng kể lượng kiều hối chuyển về Philippines. Còn với Thái Lan, du lịch từ lâu đã là ngành kinh tế trọng yếu, trong khi dịch cúm tác động quá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển vọng kinh tế. Thêm vào đó, người Thái còn đang phải đối mặt với cơn khô hạn nặng nề nhất trong hàng chục năm qua. Tuy nhiên, giải pháp nới lỏng tiền tệ hoàn toàn không phù hợp trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay. Trước hết, lạm phát của Việt Nam đang có nguy cơ tăng nhanh, với CPI tháng 1.2020 tăng 6,43% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc nới lỏng tiền tệ sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước gặp khó khăn hơn, bởi khi đó họ phải đối mặt với sự đánh đổi giữa thúc đẩy tăng trưởng hay kiểm soát lạm phát.

Một trong những cơ sở quan trọng để cân nhắc có hay không thực hiện biện pháp nới lỏng tiền tệ là phải xác định xem cú sốc đó mang tính tạm thời hay lâu dài. Theo thông điệp tiền tệ mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tuy có đề cập COVID-19 như là một dạng rủi ro lớn, nhưng vẫn được xem như một cú sốc mang tính tạm thời, chứ không phải dài hạn.

Chừng nào chưa có bằng chứng thuyết phục nhất để xem đó là một cú sốc đủ lớn, thì chính sách tiền tệ vẫn chưa thể vội thay đổi lộ trình sang nới lỏng. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ và New Zealand mới đây cũng có những nhận định tương tự như FED khi họ vẫn quyết định giữ lãi suất không đổi. Do đó, việc thực hiện các chính sách tiền tệ nới lỏng lúc này là chưa cần thiết.

 

Một vấn đề khác của nới lỏng tiền tệ hiện tại đến từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện đang dư thừa thanh khoản ngắn hạn chứ không hề thiếu hụt, trong khi vốn dài hạn mới là vấn đề cần giải quyết. Theo một báo cáo nghiên cứu của PwC, hơn 24 tỉ USD tồn đọng trong vốn lưu động thuần năm tài chính 2018, với cơ hội giải phóng tiền mặt lên tới hơn 11 tỉ USD. Ngoài ra, dịch bệnh COVID-19 tác động nhiều hơn tới nguồn cung và cầu từ nước ngoài đối với sản xuất và dịch vụ trong nước, có thể kể đến như nông nghiệp và du lịch. Cầu về hàng hóa và dịch vụ chủ yếu phụ thuộc vào thu nhập của người nước ngoài, trong khi nguồn cung nguyên liệu sản xuất của nhiều ngành nghề ở Việt Nam bị phụ thuộc vào Trung Quốc. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ khó có thể giải quyết vấn đề này.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, cũng đồng tình với ý kiến cho rằng nới lỏng tiền tệ không phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh hiện tại. Theo ông, giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ là nhằm khuyến khích chi tiêu, tạo động lực sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, hỗ trợ tăng tổng cầu. Tuy nhiên, đây chỉ là lý thuyết.

Hiện nay, người dân giảm chi tiêu không phải vì hàng hóa đắt đỏ, mà vì dịch bệnh, nên hạn chế mua sắm, du lịch, các hoạt động không cần thiết chỗ đông người. Vì vậy, giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ để kích thích chi tiêu khó có hiệu quả. Trong khi đó, luôn tiềm ẩn rủi ro lạm phát và các mặt trái khác.

 

Bài học nới lỏng tiền tệ một cách thái quá trong năm 2009-2010 nhằm đối phó với suy giảm kinh tế toàn cầu vẫn còn nguyên giá trị khi những năm sau đó Việt Nam phải trải qua những đợt lạm phát 2 con số. Cái giá của việc kích thích tổng cầu khi đó lớn hơn rất nhiều so với lợi ích tạm thời mà nó đem lại.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước nên ưu tiên tiếp tục thực hiện những cải cách mang tính cấu trúc nhằm hướng tới một hệ thống tiền tệ lành mạnh hơn trong tương lai. Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, thay vì nới lỏng tiền tệ, Chính phủ nên ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động từ dịch bệnh.

Tuy nhiên, gói kích thích kinh tế, nếu có, cần phải hướng đến việc chuyển dịch cơ cấu, phù hợp với các chiến lược phát triển nông nghiệp và sản xuất mới, hơn là bù đắp thiệt hại hiện tại do xuất khẩu nông sản thô, sản xuất nhỏ theo dạng gia công phụ thuộc vào nguyên phụ liệu Trung Quốc quá lớn.

Những vấn đề nội tại của nền kinh tế đáng ngại và có tính lâu dài hơn nhiều so với dịch bệnh COVID-19. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế có thể được hỗ trợ bằng việc kiên trì tháo gỡ những rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ giải ngân những dự án đầu tư công đã được phê duyệt.