Thứ Sáu | 09/08/2013 08:12

Nới lỏng M&A ngân hàng

Quy định mới sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tỉ lệ cổ phần hơn 30% ở các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Sắp tới, nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng. Đây không chỉ là giải pháp tái cơ cấu hiệu quả mà còn là vũ khí cạnh tranh giữa các ngân hàng, huy động vốn, giúp giải quyết nợ xấu và thu hẹp tình trạng sở hữu chéo. Không chỉ các ngân hàng yếu kém trong diện phải tái cơ cấu, mà nhiều ngân hàng mạnh khác cũng lên kế hoạch tìm đối tác để M&A.

Đó là một trong những tâm điểm tại Diễn đàn M&A 2013 do báo Đầu Tư và Công ty AVM Vietnam tổ chức ngày 8/8 tại TPHCM.
Sẽ thoáng hơn cho khối ngoại

Ông David Blackhall, Giám đốc điều hành VinaCapital Real Estate, cho biết trong tổng số 39 ngân hàng thương mại Việt Nam thì 15 đơn vị đã có đối tác chiến lược cùng ngành, trong đó còn ba ngân hàng yếu kém cần tái cơ cấu. Hoạt động M&A ngành ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2013 và các năm tiếp theo. Số lượng các ngân hàng thương mại sẽ giảm từ 39 về con số 13-15 vào năm 2017. Ông David Blackhall cũng lưu ý tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài còn dè dặt khi tiến hành M&A tại Việt Nam.

Ông Lê Nết, Công ty Luật LNT & Partners, cho rằng nguyên do xuất phát từ Nghị định 69/2007/NĐ-CP quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của Ngân hàng Thương mại Việt Nam.

Theo đó, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam. Trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ căn cứ đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), quyết định mức vượt 15% nhưng không được quá 20%. Tỉ lệ khống chế như vậy rất khó để các cổ đông nước ngoài đưa ra quyết định có ảnh hưởng hoặc tạo sự thay đổi lớn nếu những cổ đông sáng lập, cổ đông trong nước không tán thành.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Vụ trưởng Vụ Cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng thuộc NHNN, cho biết dự thảo mới và thông tư sửa đổi đã đưa ra hướng tháo gỡ thông thoáng hơn về tỉ lệ sở hữu cho nhà đầu tư ngoại. Quy định mới sẽ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài và các chi nhánh nắm tới hơn 30% cổ phần của các ngân hàng Việt Nam trong các trường hợp đặc biệt. Các nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu đến 20% cổ phần các ngân hàng Việt Nam mà không cần phê duyệt từ Thủ tướng Chính phủ…
NHNN đang đi đúng hướng

Tham gia đối thoại tại diễn đàn, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, cho biết tiến trình tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước và đang diễn ra đúng hướng. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của ngành đến năm 2015.

Bà Nguyễn Thị Hòa nhận xét: tiến trình tái cấu trúc ngành ngân hàng ở Việt Nam mới chỉ thực hiện được một năm nên chưa thể đánh giá là nhanh hay chậm. Như ở Malaysia để xử lý một tổ chức tín dụng yếu kém phải mất đến 2-3 năm.

Trong khi hoạt động này ở Việt Nam gặp phải những khó khăn như thiếu nguồn lực tài chính công, kinh tế đang khó khăn khó kiếm đối tác, khó xử lý tổ chức quá yếu kém, dễ đụng tới quyền lợi của nhiều cổ đông, chưa có sự hỗ trợ từ hệ thống pháp lý về xử lý nợ xấu và M&A… Đặc biệt, muốn tái cơ cấu một ngân hàng phải có phương án cụ thể thông qua thanh tra toàn bộ, giám sát tình trạng một thời gian dài để từ đó bắt đúng bệnh, bốc đúng thuốc…

"M&A không đơn thuần là sáp nhập hai ngân hàng lại với nhau. Sáp nhập phải cải thiện được hoạt động cốt lõi về cách quản trị và kinh doanh" - ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào, nói.

Đáng lưu ý là hầu hết các diễn giả, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đều cho rằng sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản VAMC là hợp lý và cần thiết. "VAMC là một kinh nghiệm tốt của quốc tế và họ đã thành công" - bà Nguyễn Thị Hòa nói.

Nguồn Pháp luật TPHCM


Sự kiện