Nỗi lo đồng bạc xanh
Tỉ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ không chỉ mang lại nỗi lo về những thay đổi lớn ở hạ tầng kinh tế, chính trị và xã hội của nước Mỹ, mà còn mang lại sự nghi ngại về đồng bạc xanh trên toàn thế giới. Thị trường tài chính toàn cầu bắt đầu nóng lên khi dòng tiền nhất thời đổ về đầu cơ tiền tệ. Theo đó, đồng tiền hầu hết các quốc gia phát triển, các nước mới nổi, hoặc đang phát triển đều bị tác động, khi đồng USD bắt đầu chuỗi tăng giá.
Theo số liệu của MarketWatch, chỉ số US Dollar Index (đo lường sức mạnh của đồng USD) đạt mức 101,63 điểm vào ngày 23.11, cao nhất kể từ năm 2003. Tiền đồng cũng không nằm ngoài xu hướng giảm giá như các đồng tiền khác trên thế giới. Trên thực tế, tỉ giá trung tâm đã bắt đầu được điều chỉnh tăng dần lên từ hồi tháng 8, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, song thực sự dậy sóng trong khoảng 2 tuần trở lại đây.
Với các ngân hàng, từ giữa tháng 11, tỉ giá bắt đầu được điều chỉnh nhích dần lên và nay đã phá vỡ cột mốc quan trọng 22.790 VND/USD, tính đến ngày 24.11. Không chỉ giá bán tăng, khoảng cách giữa giá chào mua và chào bán cũng được kéo dài ra, cho thấy sự lo ngại về tình trạng bất ổn của đồng USD. Hầu hết các ngân hàng khác đều có diễn biến tương tự.
Chưa rõ tỉ giá dậy sóng vì ông Trump, hay vì thời điểm cuối năm nhu cầu ngoại tệ ở Việt Nam tăng lên như một yếu tố thời vụ, song có thể thấy Ngân hàng Nhà nước trong thời gian gần đây đã điều chỉnh tỉ giá trung tâm tăng lên theo. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ giá trung tâm áp dụng cho ngày 24.11 là 22.131 VND/USD, mức cao kỷ lục kể từ khi chỉ số này ra đời. Như vậy, tỉ giá trung tâm đã tăng 0,83% so với hồi đầu tháng 10 và tăng 1,07% so với hồi đầu năm.
Bên cạnh việc điều chỉnh tỉ giá trung tâm, cơ quan chịu trách nhiệm ổn định thị trường tiền tệ cũng ngay lập tức phát đi tín hiệu rằng thị trường vẫn bình thường nhờ cung cầu ổn định. “Diễn biến tăng tỉ giá những ngày qua là hết sức bình thường, phù hợp với xu hướng tăng tỉ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố trong thời gian qua”, thông cáo của Ngân hàng Nhà nước viết. Theo cơ quan này, cả phía cung lẫn phía cầu ngoại tệ đều không có yếu tố đột biến và các nhu cầu ngoại tệ đều được đáp ứng đầy đủ.
Cụ thể hơn, theo Ngân hàng Nhà nước, nguồn cung ngoại tệ vẫn có những điểm tích cực. Thứ nhất là các dòng vốn từ FDI (9 tháng đầu năm tăng 12,4% so với cùng kỳ), hoạt động mua bán sáp nhập và kiều hối cuối năm vẫn được giải ngân ổn định. Bên cạnh đó, cán cân thương mại trong 10 tháng đầu năm 2016 thặng dư đến 3,24 tỉ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái thâm hụt 3,18 tỉ USD. Hơn nữa, trong trường hợp cần can thiệp vào thị trường ngoại hối, cơ quan này cũng đã có “thực lực” hơn so với năm ngoái, khi quỹ dự trữ ngoại hối đang có khoảng 41 tỉ USD ở thời điểm này, so với con số 30 tỉ USD hồi giữa năm 2015.
Ngoài việc trấn an thị trường trên các phương tiện truyền thông, Ngân hàng Nhà nước còn điều chỉnh lại những quy định quản lý. Chẳng hạn, trong Thông tư 31/2016 sửa đổi lại Thông tư 24/2015, các doanh nghiệp tiếp tục được gia hạn vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn từ nay đến hết năm. Thời hạn mới của hoạt động này là đến hết năm 2017.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước quyết định gia hạn (từ năm 2013 cho đến 2015 đều có sự gia hạn tương tự). Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, với chính sách này, ngoài việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu được vay vốn bằng đồng USD (với mức lãi suất thấp hơn tiền đồng), cũng sẽ góp phần giúp giảm sức cầu về USD trong ngắn hạn. Bởi lẽ, nếu tiếp tục ý định kết thúc cuối năm nay, nhu cầu mua ngoại tệ để trả nợ cho các khoản vay trước đây sẽ tăng mạnh.
Một lý do khiến Ngân hàng Nhà nước lại thêm lần “hòa hoãn” là vì doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng cường vay bằng đồng USD. Trên thực tế, theo báo cáo tháng 10 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nhu cầu ngoại tệ đã có dấu hiệu nóng lên trong những tháng cuối năm một phần do yếu tố mùa vụ. Một trong những dấu hiệu là tín dụng ngoại tệ đang tăng lên rõ rệt. Tính đến cuối tháng 9.2016, tín dụng ngoại tệ tăng 5,44% so với cuối năm 2015 và tăng 3,69% so với tháng trước đó. Theo nguồn tin của NCĐT, một số ngân hàng tư nhân lớn có doanh số cho vay cao nhưng vì đến giới hạn tăng trưởng tín dụng bằng tiền đồng, do đó chuyển đổi sang các khoản vay bằng đồng USD để có thêm room tín dụng cuối năm.
Hãy trở lại với câu chuyện áp lực tỉ giá. Trên thực tế, từ hồi đầu tuần, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu điều chỉnh tỉ giá trung tâm đi xuống liên tiếp 2 phiên, từ mức đỉnh 21.124 VND/USD vào ngày 21.11 về còn 22.118 VND/USD vào ngày 23.11. Dường như đây là cách “đánh tiếng” cho thấy đã đến lúc đồng USD ngưng đà tăng.
Chính Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng: “Việc điều hành tỉ giá linh hoạt theo cả hai chiều đã giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ”. Tuy nhiên, ngay trong phiên giao dịch ngày 24.11, tỉ giá trung tâm lại được điều chỉnh tăng trở lại, lên mức kỷ lục mới 22.131 VND/USD. Còn trên thị trường liên ngân hàng, tỉ giá vẫn tiếp tục xu hướng tăng liên tục không ngừng kể từ ngày 11.11, hiện ở mức 22.794 VND/USD. Điều này hẳn cho thấy áp lực đồng USD vẫn chưa thể vơi đi trong một sớm một chiều.
Áp lực lên tiền đồng có thể qua đi khi nền kinh tế bước sang năm mới và các doanh nghiệp bắt đầu đảo hợp đồng vay USD sang tiền đồng sau thời điểm tháng 12. Còn áp lực trong trung hạn sẽ đến từ sự thay đổi lãi suất của đồng USD trên thị trường quốc tế. Bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), mới đây tuyên bố lãi suất đồng USD sẽ sớm tăng, có thể ngay trong cuộc họp Ủy ban Thị trường mở vào tháng 12 tới. Trong bài phát biểu của mình, bà Yellen cũng nhấn mạnh rằng FED sẽ độc lập với các chính trị gia, đặc biệt là với ông Donald Trump, người yêu cầu xem xét lại các quy định Dodd - Frank (siết chặt hoạt động của thị trường tài chính) và hay than phiền về sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ (cần lãi suất đồng USD thấp để tiếp tục kích thích nền kinh tế).
Bên cạnh yếu tố bất khả kháng từ những diễn biến quốc tế, bản thân Việt Nam cũng chịu áp lực giảm giá tiền đồng khi lạm phát vẫn còn hiện hữu. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lạm phát trong năm nay ước khoảng 4%, trong khi năm ngoái chỉ ở mức 0,6%. Giả sử dự báo này đúng, mức giảm giá tiền đồng trong năm vừa qua là 4%, trong khi tính đến nay, tỉ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tăng khoảng hơn 1,07% so với đầu năm.
Nền kinh tế cũng dễ gặp rủi ro với lạm phát khi tín dụng tiếp tục đà tăng cao. Tăng trưởng tín dụng đến tháng 9 đạt khoảng 12,5%, nhưng theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, khả năng tăng trưởng tín dụng năm 2016 có thể lên đến 18-20%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 2 năm gần đây tiếp tục duy trì ở mức cao. Cho dù Ngân hàng Nhà nước tin rằng cơ quan này đang kiểm soát tín dụng ở mức hợp lý, nhưng rõ ràng, rủi ro lạm phát cao vẫn hiện hữu, gây áp lực giảm giá lên tiền đồng.
Việt Dũng