Nội dung cơ bản của Thông tư số 14 về phân loại nợ
Thông tư này được coi là bước tiếp theo Thông tư số 09/TT-NHNN ngày 18/3/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2013/TT-NHNN qui định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với phạm vi điều chỉnh là ngân hàng hợp tác xã (ngân hàng HTX) và quĩ tín dụng nhân dân (QTDND), mục tiêu của Thông tư số 14/TT-NHNN là tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD qui mô nhỏ trong việc mở rộng tín dụng, một số khoản nợ còn tồn đọng chưa thu hồi được do nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn.
Nội dung bao trùm của Thông tư số 14/TT-NHNN là bổ sung thêm khoản 3a vào Điều 6 Quyết định 493/QĐ-NHNN (Điều 6 này đã được thay thế bằng nội dung khoản 3, Điều 1 tại Quyết định số 18/QĐ-NHNN ngày 25/4/2007).
Khoản 3a cho phép ngân hàng HTX, QTDND được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi đáp ứng đủ những điều kiện: (i) Khoản nợ mà việc cấp tín dụng không vi phạm các qui định của pháp luật; (ii) Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ là phù hợp với mục đích của dự án vay vốn trong hợp đồng tín dụng; (iii) Khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng; (iv) Việc cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện khi khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay hoặc không có khả năng trả nợ hết nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong họp đồng tín dụng, có phương án trả nợ mới khả thi, phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
(v) Khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, ngân hàng HTX, QTDND phải đáp ứng được quy định của NHNN về các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng HTX, QTDND, bao gồm cả tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn trong trường hợp cơ cấu lại khoản nợ ngắn hạn thành khoản nợ trung hạn, dài hạn.
Về hiệu lực thi hành, Thông tư 14 có hiệu lực từ ngày 22/5/2014 đến hết ngày 31/3/2015.
Nguồn Ngân hàng Nhà nước