Nỗi đau hạ nguồn: Liệu cơ chế hợp tác có "cứu" được sông Mekong?
Hàng triệu người dân hạ lưu sông Mekong đã lâm vào cảnh "khát" nước và phải "oằn mình" chống chọi với đợt hạn mặn lịch sử, nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua.
Thảm họa trút xuống hạ lưu
Hiện tượng nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp từ cuối năm 2015 đến nay ở các nước hạ lưu sông Mekong được cho là do El Nino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt khu vực xích đạo và nhiệt đới Đông Thái Bình Dương).
Hiện tượng này được dự báo sẽ vượt cả trận El Nino năm 1997-1998 làm thế giới thiệt hại hơn 34 tỷ USD, trong đó Việt Nam tổn thất hơn 5.000 tỷ đồng...
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chính “mặt trái” của việc xây dựng hàng loạt công trình đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong đã chặn dòng chảy, khiến tình hình hạn khô và xâm nhập mặn tại các khu vực hạ lưu như Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan diễn ra nhanh và tổn thất nông nghiệp nghiêm trọng.
Trước sức ép khan hiếm nguồn nước nêu trên, thời gian qua, Thái Lan không còn cách nào khác là phải bơm nước từ sông Mekong để tưới tiêu cho các cánh đồng và trang trại trong nước. Chính phủ nước này cũng muốn chuyển dòng với lượng nước lớn hơn, bất chấp cảnh báo của chuyên gia môi trường về ảnh hưởng đến hạ lưu, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Trên phương diện là chuyên gia nghiên cứu độc lập, tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam, cho rằng: Nếu các quốc gia ở thượng nguồn chỉ nhìn nhận nguồn tài nguyên nước sông Mekong trên lãnh thổ của mình như tài sản riêng và có quyền khai thác, mà không nhìn nhận đến tác động xuyên biên giới, chắc chắn sẽ dẫn đến những mâu thuẫn và xung đột.
“Đồng thời, vấn đề địa chính trị xoay quanh việc xây dựng đập thủy điện trên dòng chính lưu vực sông Mekong hiện nay phức tạp hơn nhiều do những toan tính và những lợi ích thương mại của cả các quốc gia, cũng như những tập đoàn đầu tư trong và ngoài lưu vực."
"Chính vì vậy, luật pháp quốc tế đã không công nhận chủ quyền tuyệt đối đối với việc sử dụng nước các sông quốc tế,” ông Tứ nhấn mạnh.
Đồng bằng sông Cửu Long oằn mình “chịu trận”
Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nằm ở cuối nguồn của lưu vực sông Mekong, mặc dù diện tích chỉ chiếm 11% diện tích toàn lưu vực, nhưng dân số phụ thuộc vào nguồn nước sông này là trên 20 triệu người, bằng 1/3 dân số trong toàn lưu vực.
Tuy nhiên, với vị trí địa lý nằm cuối nguồn, vùng đồng bằng sông nước (với gần 20 triệu người) này cũng là nơi gánh chịu hậu quả nghiêm trọng từ việc chặn dòng chảy và phù sa của những công trình thủy điện ở thượng nguồn.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã chỉ ra rằng khi 15 công trình trên phần thượng lưu và 11 công trình ở hạ lưu hoàn thành, lượng nước điều tiết xuống hạ lưu chắc chắn sẽ làm thay đổi đáng kể so với dòng chảy tự nhiên.
Sự thay đổi dòng chảy do các bậc thang thủy điện gây ra đối với lưu vực sông Mekong cho thấy, trừ những năm lũ đặc biệt lớn, việc giảm lưu lượng lũ xuống hạ lưu tạo nên “lũ xấu” và ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích kinh tế do lũ mang lại, đặc biệt đối với Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam.
Báo cáo của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, cho thấy, từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến Việt Nam, mùa mưa 2015 đến muộn và kết thúc sớm; dòng chảy thượng nguồn sông Mekong bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua, khiến mặn xâm nhập sâu vào đất liền đến 90 km.
Thực trạng này đã khiến Đồng bằng sông Cửu Long rơi vào thảm cảnh khô-mặn nặng nề nhất trong vòng 100 năm qua. Cùng với đó, 11/13 tỉnh, thành phố buộc phải công bố thiên tai. Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, nước sinh hoạt thiếu hụt nghiêm trọng.
Theo ông Phát, có 139.000 ha lúa đã bị thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay và con số này được dự đoán tiếp tục tăng cho đến mùa mưa tới, thường vào tháng Sáu. Nếu hạn hán tiếp tục kéo dài đến thời điểm này, khoảng 500.000 ha lúa vụ hè thu không thể bắt đầu. Khoảng 575.000 người đang chịu cảnh thiếu nước ngọt, nhất là người dân tại các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau...
Cơ chế hợp tác có thể “cứu” được sông Mekong?
Từ ngày 4-5/4/2010, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất của Ủy hội sông Mekong quốc tế đã diễn ra tại Hua Hin - Thái Lan, với sự tham dự của Thủ tướng 4 nước thành viên Ủy hội, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc.
Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh lưu vực sông Mekong đang đứng trước những thách thức to lớn như tình hình hạn hán nghiêm trọng, mối quan ngại ngày càng tăng trong lưu vực về tác động của các công trình thuỷ điện dòng chính đặc biệt từ Trung Quốc, hậu quả biến đổi khí hậu…
Tại Hội nghị, các nước đã cam kết rằng việc hợp tác hơn nữa trong những năm tới giữa Chính phủ các nước thành viên là rất cần thiết nhằm tối ưu hóa việc sử dụng đa mục tiêu tài nguyên nước và vì lợi ích chung của tất cả các nước ven sông, để tránh bất kỳ tác động bất lợi nào do các hiện tượng tự nhiên và con người gây ra, và bảo vệ giá trị lớn lao của nhiên và cân bằng sinh thái.
Tuy nhiên, những mong muốn trên có trở thành hiện thực mối quan hệ địa chính trị có tác động của các quốc gia trong lưu vực đóng góp như thế nào để đi đến thực hiện những cam kết chính trị trên? Câu hỏi đến nay chưa thực sự có lời giải.
Trong khi đó, theo Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế (Bộ Ngoại giao), hiện nay, nguồn nước quốc tế đang gặp không ít thách thức ngay từ việc hợp tác quản lý.
Cụ thể, theo đánh giá của Liên hợp quốc, các nước trên lưu vực sông Mekong mặc dù bỏ phiếu thuận khi thông qua Công ước nguồn nước 1997, nhưng hiện chỉ có Việt Nam tham gia Công ước. Còn các nước khác trong lưu vực Mekong chưa tham gia, nhất là trong bối cảnh khi các nước thượng nguồn đang đẩy mạnh xây dựng thủy điện dòng chính sông Mekong (Trung Quốc đã hoàn thành 5/8 công trình, Lào có kế hoạch xây 10, Campuchia 2).
Vấn đề đặt ra là, các quy định của Công ước nguồn nước 1997 sẽ không được áp dụng trong mối quan hệ giữa ta và các nước trên dòng Mekong một khi các nước còn lại chưa gia nhập Công ước này.
Chính vì thế, để thực hiện tốt các cam kết trong Công ước nguồn nước 1997 và thực hiện quản lý hiệu quả nguồn nước lưu vực sông Mekong, Việt Nam cần vận động, thúc đẩy các nước trong khu vực tham gia các công ước quốc tế; đồng thời sửa đổi, bổ sung Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong cho phù hợp với xu hướng phát triển chung của luật pháp quốc tế về nguồn nước.
Góp thêm tiếng nói, tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam, cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trong đối với an ninh nguồn nước - lương thực và kinh tế xã hội của cả đất nước. Cuộc sống của nhiều triệu người dân hôm nay và mai sau rõ ràng có sự phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác và quản lý nguồn tài nguyên nước của sông Mekong.
Vì thế, với vị thế địa chính trị quốc gia, Việt Nam cần có những chính sách phù hợp để bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình và duy trì hợp tác cùng có lợi với các quốc gia ven sông, tuân thủ các luật pháp quốc tế là con đường để bảo đảm sự phát triển bền vững, bảo đảm an ninh cho khu vực.
Nguồn Vietnam+