Nỗi buồn gạch không nung
Khắc như gạch”, thế nhưng việc đầu tư sản xuất gạch nung như hiện nay thì không “chắc” chút nào, thậm chí còn đi ngược với sự phát triển bền vững và tác động lớn đến môi trường sống. Theo tính toán, đến năm 2020, Việt Nam có nhu cầu sử dụng khoảng 42 tỉ viên gạch cho xây dựng. Tương ứng với nhu cầu lớn này, theo phê duyệt của Chính phủ, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sẽ phải tiến tới sản xuất sạch, tức hướng từ vật liệu nung sang vật liệu không nung.
Vật liệu xây dựng không nung có đặc tính nhẹ, khả năng cách nhiệt, chống cháy, chịu nén cao, dễ xây dựng, giảm thời gian thi công và tiết kiệm vật liệu, chi phí đầu tư.
Nhưng theo tốc độ phát triển của thị trường gạch nung hiện nay, tổng lượng gạch sản xuất trong 10 năm tới là 330 tỉ viên, sẽ tiêu tốn khoảng 500 triệu m3 đất sét (tương ứng mất 25.000 ha ruộng), 40 triệu tấn than và thải ra bầu khí quyển khoảng 148 triệu tấn khí độc hại.
Giá gạch nung tăng trở lại
Khi thị trường bất động sản đóng băng, hàng loạt cơ sở sản xuất gạch nung phải đóng cửa hoặc chỉ chạy nửa công suất. Sản xuất gạch nung đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu không cao nên các cơ sở dễ dàng thấy có lời thì sản xuất, mất giá thì phá bỏ. Tuy nhiên, thị trường xây dựng sôi động trở lại đã làm giá gạch nung tăng chóng mặt trong khoảng từ tháng 6-8.2015. Giá tăng ở hầu hết các tỉnh thành, đặc biệt là TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu với mức tăng trung bình khoảng 30%, cá biệt có một số chủng loại tăng đến 50%. Sự sôi động của thị trường đã kích thích các cơ sở sản xuất gạch nung hoạt động trở lại, đặc biệt tại vùng ven các đô thị, đưa ra thị trường gạch nung có giá cạnh tranh gay gắt với gạch không nung.
Trong khi gạch nung tăng giá thì gạch không nung lại giữ giá, mặc dù mức tiêu thụ đã tốt hơn trước. Ông Phạm Hữu Quang Viên, Tổng Giám đốc Công ty Gạch Vương Hải, công ty sản xuất gạch bê-tông khí chưng áp, cho biết, sản phẩm V-Block hiện nay tiêu thụ nhiều tại thị trường trong nước, giá bán không tăng, nhưng hiện nhà máy đã chạy khoảng 90% công suất, thay vì chỉ 30-60% công suất như trước đây.
Hiện nay, trên cả nước có 23 nhà máy sản xuất bê-tông khí chưng áp, bê-tông bọt, gạch block xi-măng cốt liệu đi vào sản xuất như Công ty Gạch khối Tân Kỷ Nguyên (thương hiệu EBlock), Viglacera, Sông Đà Cao Cường... Tổng công suất vật liệu không nung chỉ chiếm khoảng 17-18% vật liệu xây dựng.
Đại diện Công ty Gạch khối Tân Kỷ Nguyên cho biết, bê-tông khí chưng áp là vật liệu siêu nhẹ, được sản xuất từ các vật liệu vô cơ phổ biến trong thiên nhiên như cát, vôi, xi-măng, nước cùng với chất tạo khí dưới áp suất và nhiệt độ cao.
Dù thị trường vật liệu xây dựng đang trên đà tăng trưởng, gạch không nung muốn tăng thị phần so với gạch nung cũng rất khó khăn. Lý do là vốn đầu tư một nhà máy sản xuất gạch không nung vốn rất lớn. Trong khi đó, lợi nhuận thấp, thị trường không ổn định, nhiều rủi ro.
Gạch không nung: Vẫn chờ hướng dẫn
Kỳ vọng rất nhiều vào một loại vật liệu thay thế thân thiện với môi trường, Tiến sĩ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, khẳng định: “Phát triển sản xuất và sử dụng gạch không nung là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp xây dựng hiện đại”. Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung thay thế gạch đất sét nung, đến năm 2020 vật liệu không nung chiếm 40% sản lượng vật liệu xây dựng. Với sự hỗ trợ từ chính sách, nhiều người kỳ vọng gạch không nung sẽ dần có chỗ đứng ở thị trường trong nước và được sử dụng rộng rãi hơn tại các công trình.
Theo quy định, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung theo lộ trình: tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây dựng không nung từ đầu năm 2013, các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây dựng không nung cùng thời điểm và sau năm 2015 phải sử dụng 100%.
Năm 2014, trên địa bàn TP.HCM chỉ có 179 dự án, công trình sử dụng vật liệu xây dựng không nung. Một số loại vật liệu xây dựng không nung đòi hỏi cách thi công, dụng cụ mới nên công nhân chưa quen và nhiều nhà thầu e ngại.
Trên thế giới, ở các nước phát triển, vật liệu xây dựng chủ yếu sử dụng là vật liệu không nung cho các công trình khác nhau, gạch đất sét nung chỉ chiếm 10-15% sản lượng vật liệu xây dựng. Tại các nước châu Á, thị phần của sản phẩm bê-tông khí chưng áp chiếm khoảng 40-45%, còn lại là các vật liệu không nung khác. Việc sử dụng gạch bê-tông nhẹ thay cho gạch đất sét nung cho công trình nhà cao tầng tiết kiệm khoảng 4,6% tổng chi phí đầu tư thô cho toàn bộ tòa nhà.
Theo Viện Vật liệu Xây dựng, việc sử dụng gạch bê-tông nhẹ thay cho gạch đất nung đem lại lợi ích kinh tế khá lớn: đối với công trình 9 tầng, có thể giảm 20% phản lực đầu cọc giúp giảm chiều dài cọc móng, giảm 25% khối lượng thép cột, giảm 10% khối lượng thép dầm; đặc biệt, hiệu quả cao đối với công trình trên nền đất yếu.
Tuy nhiên, Quyết định có hiệu lực khá lâu nhưng chưa thể đi vào thực tế. Các công trình áp dụng theo tiêu chuẩn này chủ yếu thuộc các dự án vốn đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân là thiếu hướng dẫn của Bộ chuyên ngành về chỉ tiêu thiết kế, thi công, định mức kinh tế, kỹ thuật... Ngành vật liệu xây dựng cũng cần có lộ trình chi tiết phát triển gạch không nung, tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung và hạn chế xây dựng mới các nhà máy gạch tuynel.
Bắc Đình