Thứ Hai | 24/03/2014 13:02

Nợ xấu Việt Nam- Con voi ở giữa phòng

Theo tính toán, các ngân hàng cần trích lập dự phòng quyết liệt 6 năm mới đủ bù đắp nợ xấu không thể phục hồi.
Trong tiếng Anh có một câu thành ngữ “Elephant in the room” (tạm dịch: “Con voi ở giữa phòng”) để nói về một vấn đề tồn tại rõ ràng, nhưng bị cố tình làm ngơ, không giải quyết. Câu chuyện nợ xấu ở Việt Nam và cách ứng xử của cơ quan quản lý hiện nay dường như cũng giống với câu thành ngữ này.

Việc trì hoãn áp dụng Thông tư 02 để không phải ghi nhận nợ xấu và trích lập dự phòng sớm hơn, và hy vọng thị trường bất động sản (BĐS) phục hồi nhằm cứu vãn tình hình, không có tác dụng cải thiện sức khỏe ngành ngân hàng một cách căn bản. Niềm tin của nhà đầu tư về ngành ngân hàng và khả năng thực thi chính sách của cơ quan quản lý thêm một lần nữa bị tổn thương.

Theo ước tính, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ phải trích lập dự phòng quyết liệt trong khoảng 6 năm, hoặc hơn nữa để bù đắp cho số nợ xấu không thể phục hồi.

Quy mô nợ xấu

Đến tận thời điểm này, tức là gần 21 tháng kể từ thời điểm Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra một con số nợ xấu ước tính xấp xỉ 10% tại kỳ họp quốc hội vào tháng 6/2012, NHNN vẫn chưa thể, hoặc chưa dám, công bố con số chính thức và đáng thuyết phục về quy mô nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Thị trường đã tự có các ước tính của mình, và con số ước tính giao động trong khoảng từ 12%-17%.

Gần đây nhất, hồi giữa tháng 2/2014, trong lần “phản pháo” lại báo cáo của Moody’s cho rằng tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam vào khoảng 15%, một đại diện của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng không có chuyện nợ xấu cao thế, và lại đưa ra một con số ước tính khác là “chỉ khoảng 9%”.

Con số nợ xấu thấp hơn một nửa này không làm cho thị trường thấy lạc quan hơn, bởi vì nó vẫn chỉ là một ước tính khác từ phía NHNN, và nó cũng cho thấy một thực tế là các ngân hàng thương mại (NHTM) trong hệ thống vẫn đang giấu nợ, bởi vì con số nợ xấu tổng hợp theo báo cáo tài chính của các NHTM đến thời điểm cuối năm 2013 chỉ là 3,8%. Con số này chưa bao gồm những khoản nợ tái cơ cấu theo quyết định 780/2012/QĐ-NHNN.

Về nguyên tắc hoạt động ngân hàng, nợ “tái cơ cấu” thì phải bị xếp vào nhóm nợ xấu hơn. Tuy nhiên, quy định 780 đã cho phép các NHTM Việt Nam được giữ nguyên nhóm nợ ban đầu, không phải chuyển xuống nhóm nợ xấu hơn với nhiều khoản vay. Theo con số chính thức do NHNN công bố vào tháng 10/2013, thì số nợ tái cơ cấu này lên tới 317.000 tỷ đồng.

Như vậy, dựa trực tiếp vào hai con số chính thức từ phía NHNN, nợ xấu theo báo cáo tài chính của các NHTM (khoảng 125.000 tỷ) và nợ “tái cơ cấu” theo quyết định 780 (khoảng 317.000 tỷ), thì con số nợ xấu thực tế của hệ thống ngân hàng Việt Nam phải vào khoảng 440.000 tỷ đồng, tương đương 20,8 tỷ USD, xấp xỉ 13,6% tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2013, và bằng khoảng 12,3% GDP.

Nới lỏng chính sách, mua thời gian cho các ngân hàng

Thông tư 02, do NHNN ban hành ngày 21/1/2013, được kỳ vọng sẽ giúp đưa ra con số nợ xấu chính xác và đáng tin cậy vì nó áp dụng các quy định chặt chẽ và thống nhất cho toàn bộ hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, thông tư này đã bị hoãn áp dụng hai lần. Lần thứ nhất là hoãn từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2014 và lần thứ 2, nó đã được thay thế bởi Thông tư 09 cùng với quy định về phân loại nợ xấu chặt chẽ tiếp tục bị hoãn đến tháng 4/2015.

Như vậy, NHNN lại vẫn đang tiếp tục che giấu “con voi trong phòng”. Lý lẽ của nhà quản lý là các NHTM cần thêm thời gian để chuẩn bị “nội lực” ứng phó với áp lực trích lập dự phòng tăng lên. Nhưng có lẽ còn một lý do khác không được chính thức nói đến, đó là cũng cần thêm thời gian để củng cố hoạt động của Công ty mua bán nợ xấu quốc gia (VAMC) và xây dựng khung pháp luật cho sự ra đời của thị trường mua bán nợ xấu.

Nhưng dù vì lẽ gì, việc trì hoãn chính sách quan trọng như Thông tư 02 và công bố một con số nợ xấu chính thức, cũng ảnh hưởng tiêu cực lên niềm tin vào ngành ngân hàng Việt Nam. Thực tế là thị trường đều đã biết tình hình là xấu, nhưng việc không biết nó xấu đến mức nào gây ra sự hoài nghi và những đồn đoán tiêu cực.

Nhiều người cho rằng không cần thiết cứ phải đòi có một con số nợ xấu chính thức, thay vào đó cứ bắt tay vào giải quyết vấn đề thôi. Vế sau của ý kiến này là đúng, nhưng việc NHNN nắm được cụ thể con số nợ xấu vẫn rất cần thiết vì nó thông báo cho thị trường biết rằng rốt cuộc cơ quan quản lý đã kiểm soát được tình hình.

Áp lực trích lập dự phòng

Tuần qua, thị trường chứng khoán đã chứng khiến các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng sau khi có quyết định hoãn áp dụng Thông tư 02, bởi nhiều người tin rằng áp lực trích lập dự phòng đã được cởi bỏ. Đó là quan điểm ngắn hạn nhìn trong năm 2014, và cũng chưa hẳn đúng. Bởi vì, trước sau gì các NHTM cũng sẽ phải trích lập dự phòng, nếu không làm từ năm nay, thì các năm sau sẽ phải làm.

trichlapduphongruiro

Trên thực tế một số NHTM như Vietcombank hay MB đã chủ động trích lập mạnh hơn từ năm 2012 để chuẩn bị cho những quy định mới này, chấp nhận lợi nhuận tăng trưởng chậm hoặc không tăng trưởng.

Thứ hai là, quan điểm của NHNN là cho các NHTM thêm thời gian một năm nữa để chuẩn bị trích lập dự phòng dần nhằm đáp ứng quy định mới, chứ không phải để giúp các ngân hàng “làm đẹp” lợi nhuận của mình.

Hãy làm một ước tính, với con số nợ xấu thực sự khoảng 440 nghìn tỷ đồng, giả định tỷ lệ thu hồi từ việc thu hồi nợ hoặc xử lý tài sản đảm bảo là khoảng 50%-60% thì còn khoảng 220 nghìn tỷ là bị mất và các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng bù vào.

Từ năm 2010 đến nay, các NHTM Việt Nam mỗi năm trích lập chưa tổng cộng đến 30.000 tỷ. Trong những năm khó khăn, trích lập dự phòng còn có xu hướng giảm do thu nhập hoạt động ngân hàng tăng trưởng chậm lại, và nhiều ngân hàng trì hoãn trích lập đủ vì e ngại làm ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận đã cam kết với cổ đông.

Vậy thì, cứ cho rằng nếu trong các năm tới, mỗi năm hệ thống ngân hàng buộc phải trích lập mạnh hơn, khoảng 35.000-40.000 tỷ đồng, và khó có khả năng cao hơn vì xét bối cảnh kinh tế tăng trưởng trung bình ảnh hưởng đến thu nhập của ngành ngân hàng, thì cũng phải mất khoảng 6 năm hoặc hơn thế hệ thống ngân hàng Việt Nam mới trích lập hết được số nợ xấu không thể thu hồi nói trên.

Các nước trong khu vực từ Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, hay Philippines cũng đã phải mất không dưới 5 năm để xử lý nợ xấu trong cuộc khủng hoảng tài chính - ngân hàng năm 1997.

voi

Bài học kinh nghiệm từ các nước này là chọn cách ứng xử minh bạch và quyết liệt ngay từ đầu để xử lý dứt điểm nợ xấu. Các nước đã chấp nhận tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng thông qua các gói hỗ trợ từ chính phủ, đồng thời nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngành ngân hàng để thu hút nguồn lực bên ngoài, gồm cả vốn và kỹ năng quản lý nhằm giúp cải tổ hệ thống ngân hàng.

Kevin Quan

Nguồn Dân Việt


Sự kiện