Thứ Ba | 23/09/2014 19:35

Nợ xấu vẫn tăng

Đến nay, cả hệ thống ngân hàng mới xử lý được khoảng 33.000 tỉ đồng nợ xấu, chủ yếu bằng nguồn trích lập dự phòng của ngân hàng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bà Nguyễn Thị Hồng, cho biết mặc dù đã có Công ty Quản lý tài sản (VAMC) xử lý nợ xấu nhưng đến cuối tháng 6-2014, tỉ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng vẫn tăng lên đến 4,17%, cao hơn mức 3,61% cuối năm 2013.

Đấu giá 7 lần vẫn ế

Giải thích nguyên nhân nợ xấu gia tăng, phó thống đốc cho rằng do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vẫn còn nhiều khó khăn, tới hạn nợ nhưng nhiều DN vẫn không có khả năng trả nợ. Bên cạnh đó, việc thực hiện Thông tư 09/2014/TT-NHNN về việc phân loại dự phòng rủi ro và phân loại nợ cũng làm nợ xấu gia tăng thêm. Vì các tổ chức tín dụng (TCTD) phải thực hiện quy trình cơ cấu lại, phân loại nợ với phạm vi rộng hơn; thay vì chỉ đánh giá nợ xấu tính trên dư nợ cho vay, các TCTD phải xếp hạng nợ đối với các khoản đầu tư vào trái phiếu DN.

Việc phát mại tài sản bảo đảm tín dụng rất khó khăn nên nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa) Ảnh: Internet
Việc phát mại tài sản bảo đảm tín dụng rất khó khăn nên nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC, cho biết công tác xử lý nợ xấu hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. VAMC đã phát mại tài sản đối với các khoản nợ của DN không có khả năng phục hồi nhưng có những tài sản đấu giá đến lần thứ 3 vẫn không thành công; việc ủy quyền cho TCTD đấu giá cũng không suôn sẻ. Có TCTD đấu giá tới lần thứ 5, thậm chí lần thứ 7 tài sản phát mại vẫn ế, ngay cả khi chấp nhận bán với giá thấp.

NHNN đã tích cực chỉ đạo các TCTD tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tài chính để xử lý nợ xấu. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2014, các TCTD đã xử lý được số nợ xấu khoảng 33.000 tỉ đồng, bao gồm: thu nợ từ khách hàng, bán phát mại tài sản bảo đảm và xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro.

Chưa có thị trường

VAMC cho biết tính đến hết tháng 8-2014, VAMC đã mua 59.000 tỉ đồng nợ xấu, trong đó, nợ xấu mua từ đầu năm đến nay là 19.630 tỉ đồng, với giá trị phát hành trái phiếu đặc biệt là 12.019 tỉ đồng. Đây là con số rất nhỏ so với mục tiêu mua 70.000 - 100.000 tỉ đồng nợ xấu trong năm 2014.

Đến nay, cả hệ thống ngân hàng mới xử lý được khoảng 33.000 tỉ đồng nợ xấu, chủ yếu bằng nguồn trích lập dự phòng của ngân hàng. Việc bán nợ của VAMC rất hạn chế vì thị trường mua bán nợ của Việt Nam chưa hình thành. Phần lớn các khoản nợ xấu mà VAMC mua về là nợ xấu của các DN. VAMC mong muốn bán nợ của DN với điều kiện các nhà đầu tư mua nợ sẽ xây dựng phương án tái cơ cấu, giúp DN phục hồi hoạt động; nhưng các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến hàng hóa của VAMC, chủ yếu là nhà môi giới nên họ muốn mua nợ của Việt Nam với giá thấp để bán lại.

Một trong những hạn chế của VAMC hiện nay là thiếu nguồn vốn để mua đứt bán đoạn nợ xấu. Vốn điều lệ của VAMC hiện chỉ có 500 tỉ đồng, trong khi nợ xấu rất lớn và đang ngày càng tăng lên. Các con số nợ xấu hiện nay cũng còn vênh nhau, chưa phản ánh đúng sự thật. NHNN vẫn đang dựa trên 2 nguồn số liệu khác nhau để giám sát tình hình nợ xấu của các TCTD là số liệu do các TCTD báo cáo và số liệu nợ xấu theo kết quả giám sát của cơ quan thanh tra, giám sát của NHNN.

Nguồn Người Lao Động


Sự kiện