Thứ Hai | 02/12/2013 12:17

Nợ xấu và điều bất ngờ ở Quảng Bình

Quảng Bình là một tỉnh nghèo, thường xuyên chịu thiệt hại từ bão lũ. Hoạt động ngân hàng tại đây vì thế cũng đối diện với nhiều khó khăn…
Chỉ trong tháng 10 vừa qua, Quảng Bình liên tiếp hứng chịu cơn bão số 10 và 11 kèm theo lũ, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, ước tính với tổng hơn 8.600 tỷ đồng.

Ngày 14/11, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp với 14 ngân hàng thương mại lớn, với một nội dung chính là đánh giá thiệt hại của thiên tai vừa qua, liên quan đến hoạt động ngân hàng tại các địa phương. Quảng Bình được đánh giá là một điểm nóng.

Cuối tuần rồi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng các lãnh đạo vụ chức năng đã trực tiếp đến điểm nóng này.

Bên cạnh các hoạt động an sinh xã hội tại các xã chịu ảnh hưởng nặng nhất của bão lũ trong tháng 10, Thống đốc Nguyễn Văn Bình làm việc với chính quyền địa phương, đại diện các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn. Và ông bất ngờ khi tại Quảng Bình, nợ xấu báo cáo hiện chỉ ở khoảng 1,5%.

“Chưa rõ tỷ lệ này tập hợp có chính xác không, có thể cần xem lại, nhưng theo tập hợp như vậy thì rất thấp so với mặt bằng chung 4,64% của cả nước”, Thống đốc Bình nói, dường như khó tin khi đặt trong bối cảnh khó khăn và xu hướng gia tăng của nợ xấu toàn ngành.

Tuy nhiên, những gì ông đánh giá sau đó lại gián tiếp cho thấy một thực tế. Là một tỉnh nghèo, có nhiều khó khăn và đặc biệt thường xuyên hứng chịu thiên tai, song bên cạnh tỷ lệ nợ xấu thấp, Quảng Bình lại là địa phương vẫn đảm bảo thu ngân sách, thậm chí nhiều khả năng vượt kế hoạch năm nay.

“Điều này cho thấy dù gặp nhiều khó khăn nhưng người dân, như ở địa bàn nông nghiệp - nông thôn ở đây vẫn kiên định. Trong khi đó, có những thành phố lớn thu ngân sách vẫn chưa được 40%”, Thống đốc so sánh.

Ở nợ xấu, ngoài các lý do khách quan, tỷ lệ cao hay thấp phản ánh nhất định chữ tín trong vay vốn. Là tỉnh nghèo và thường xuyên chịu thiệt hại từ thiên tai, đặt trong thực tế tín dụng có sự tập trung lớn cho các hộ nghèo và khu vực nông nghiệp nông thôn (khu vực dễ tổn thương trước thiên tai), Quảng Bình là một hiện tượng khi có tỷ lệ nợ xấu rất thấp so với bình quân cả nước như vậy.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Bình, tỷ trọng cho vay hộ nghèo, nông nghiệp - nông thôn, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn chiếm tới khoảng 57% tổng dư nợ. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho đây là dòng chảy tín dụng rất ưu đãi, hướng được vào các mảng cần hỗ trợ, khi mà đóng góp của nông nghiệp - nông thôn vào GDP của tỉnh chỉ đạt khoảng 20%.

Dù có tỷ lệ nợ xấu thấp, hay chữ tín trong vay vốn cao, song hoạt động ngân hàng tại đây đang đối diện với nhiều rủi ro bất khả kháng khi các đợt bão lũ vừa qua gây hậu quả quá lớn.

Thống kê cho thấy, có trên 15.000 khách hàng (gần 600 doanh nghiệp, còn lại là cá nhân và các hộ dân) với dư nợ bị thiệt hại trên 1.041,8 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,8% dư nợ cho vay, tập trung ở lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, trồng rừng cao su và xây dựng cơ bản.

Tính đến 25/11, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Quảng Bình đã giảm lãi suất cho 695 khách hàng vay vốn bị thiệt hại từ bão lũ, ứng với gần 228 tỷ đồng; gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 943 khách hàng, tương ứng với 149 tỷ đồng; cho vay bổ sung vốn để khắc phục hơn 50 tỷ đồng…

Các tổ chức tín dụng khác có thị phần thấp hơn cũng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm lãi và bước đầu cho vay mới, nhưng con số 1.041,8 tỷ đồng thiệt hại trên vẫn khó khắc phục, nợ xấu có nguy cơ tăng cao ở Quảng Bình trong thời gian tới.

Tại cuộc họp với chính quyền địa phương và đại diện các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình sốt ruột khi nói: “Bão lũ đã đi qua khá lâu rồi mà thiệt hại vẫn còn đó”. Và ông yêu cầu các đầu mối chậm nhất ngày 5/12 này tập hợp số liệu đầy đủ hơn, báo cáo các giải pháp tháo gỡ khó khăn để trong khoảng từ 15 - 20/12 Ngân hàng Nhà nước có hướng xử lý.

Trước mắt, Thống đốc yêu cầu các chi nhánh ngân hàng tại Quảng Bình thực hiện cơ cấu lại nợ, khoanh nợ và giảm lãi vay với những khách hàng khó khăn; với các hộ dân sản xuất nông nghiệp thuần túy, nếu chịu thiệt hại lớn từ bão lũ thì xóa hẳn lãi, cho vay mới kể cả tín chấp để nhanh chóng khôi phục sản xuất.

“Trên cơ sở báo cáo và đề xuất của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể. Ngân hàng Nhà nước cũng sẵn sàng tái cấp vốn với lãi suất rất thấp để tạo nguồn hỗ trợ. Từ Quảng Bình để rồi mở rộng các giải pháp ra các địa phương khác. Cứ ở đâu có bão lũ thì tín dụng ở đó phải tìm cách tháo gỡ”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện