Thứ Tư | 16/10/2013 08:12

Nợ xấu: ngân sách không một cắc nào để xử lý

Nhận định của Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Ban cố vấn của Chính phủ ngày 15/10.
Nói về nguồn tiền để mua nợ xấu, ông Nghĩa cho rằng ngân sách không có một cắc nào để xử lý cả, ngân sách có hạn. Hơn nữa, nếu chúng ta dùng tiền tươi thóc thật mua nợ xấu thì tiền sẽ ra thị trường ngay và vào lạm phát ngay. Do đó, chúng ta phải dùng trái phiếu đặc biệt, hay nói cách khác là tiền của ngân hàng trung ương.

Ông Nghĩa cũng cho biết việc mua nợ xấu đang rất thuận. Hiện nay các ngân hàng tranh nhau bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), các cán bộ của công ty này phải làm việc đến 10g đêm, làm cả ngày nghỉ. VAMC không khắt khe để mua nợ xấu vì mục đích mua nợ xấu là để làm sạch bảng cân đối tài sản của các ngân hàng.

Dự báo trong năm nay VAMC sẽ mua khoảng 45.000 tỉ đồng nợ xấu và đến tháng 6 sang năm thì mua hết 100.000 tỉ đồng. Song, các cơ quan chức năng đang băn khoăn về vấn đề hậu nợ xấu. Nỗi lo lớn nhất là VAMC sẽ bán số nợ xấu cho ai sau khi mua của các ngân hàng?

Thực tế, ông Nghĩa đặc biệt nêu rằng là không thể ngờ được khi các tập đoàn nước ngoài liên tục vào VN đề nghị được mua nợ xấu. Có những quỹ đầu tư sẵn sàng ném vào thị trường VN khoảng 20 tỉ USD để mua nợ xấu. Ngay cả tài sản của Vinashin, với 5 con tàu, họ chủ động đề nghị được mua tất và đề xuất bỏ cơ chế đấu thầu. Chúng ta đưa giá nào họ mua giá đó. Vì người ta kỳ vọng là kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh vào năm 2014-2015. Khi đó, thương mại quốc tế phục hồi thì vận tải sẽ phát triển.

"Tôi cũng đưa ra các hạn chế về thủ tục mua bán của ta, thế nhưng họ không quan tâm mà chỉ đề nghị làm thế nào để mua được nợ và bán được nợ cho người khác. Tôi nghĩ cơ hội của năm 2014 là rất lớn cho bất cứ ai tham gia mua bán nợ. Còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc bán nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài là một trong những cơ hội tốt nhất để tái cấu trúc.

Chắc chắn để mua nợ, ngoài chuyện bỏ vốn vào thì họ còn tham gia quản trị điều hành doanh nghiệp nữa. Tuy nhiên, nhấn mạnh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ông Nghĩa nói "trong khi làm việc với chúng tôi, Thủ tướng có nhắc đi nhắc lại là làm thế nào để bán nợ nhưng không được bán tống bán tháo".

Đánh giá về thị trường vàng trong nước, ông Nghĩa cho rằng đã ổn định. Trước đây, mỗi năm Việt Nam cần 4-5 tỉ USD để nhập vàng, tuy nhiên chỉ trong 18 tháng qua khi chúng ta cấm nhập vàng thì dự trữ ngoại tệ tăng từ 7 tỉ USD lên 28 tỉ USD. Đó là những thành công ban đầu đạt được khi triển khai nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.

Song, bước tiếp theo quản lý thị trường vàng, hiện Ngân hàng Nhà nước đang hoạch định lại chính sách mới sửa đổi bổ sung quy định hiện hành, trong đó có việc xây dựng sàn giao dịch vàng quốc gia.

Đặc biệt, ngân hàng trung ương không độc quyền vàng mà giao nó cho thị trường. Điều cần thiết lập trên thị trường là việc tổ chức giao dịch như thế nào để cơ quan quản lý có thể kiểm soát được. Ông Nghĩa đặt vấn đề tới đây giao dịch vàng sẽ qua tài khoản.

Nguồn Tuổi trẻ


Sự kiện