Thứ Hai | 27/05/2013 10:24

Nợ xấu ngân hàng khoảng 180.000 - 300.000 tỷ đồng

Nếu nợ xấu tăng gấp đôi so với mức hiện nay, vốn của các ngân hàng ảnh hưởng nghiêm trọng, mức an toàn vốn ước tính có thể giảm xuống một nửa.
Sáng nay (27/5), trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hội thảo công bố báo cáo thường niên Việt Nam 2013: "Trên đường gập ghềnh tới tương lai".

Tại hội thảo, TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc kiêm kinh tế trưởng của VEPR dẫn báo cáo của nhóm nghiên cứu cho biết, tính đến thời điểm 31/3/2012, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) là 3,57%. Tuy nhiên, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu thực tế ở mức 8,6%. Với giả định sự chênh lệch trên duy trì đến tháng 9/2012, tỷ lệ nợ xấu thực của hệ thống ngân hàng là 9,53% với giá trị 241.000 tỷ đồng.

Mặt khác, cuối tháng 2/2013, tỷ lệ nợ xấu được công bố 6%. Với những con số nợ xấu khác nhau, nhóm nghiên cứu cho rằng, nợ xấu của hệ thống ngân hàng nằm trong khoảng 180.000 - 300.000 tỷ đồng với điều kiện việc phân loại nợ và đánh giá tài sản đảm bảo được thực hiện khá tốt.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, trong trường hợp nợ xấu tăng gấp đôi so với mức hiện nay, vốn của các ngân hàng ảnh hưởng nghiêm trọng, mức an toàn vốn ước tính có thể giảm xuống một nửa so với mức hiện nay.

Đồng thời, với tình trạng nợ xấu trong mối quan hệ với các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam, xử lý nợ xấu mang tính hệ thống là yêu cầu cấp thiết.

Để giải quyết nợ xấu, nhóm nghiên cứu cho rằng, trước hết cần xác định đúng quy mô, mức độ nghiêm trọng và tác động của nợ xấu tới nền kinh tế. Thời gian xử lý cần khoảng 7 - 10 năm chứ không thể chỉ trong thời gian ngắn 2 - 3 năm như kỳ vọng.

Đối với công ty quản lý tài sản (VAMC), nguồn vốn hình thành, lộ trình xử lý và quy trình xử lý (gồm mua nợ, cơ chế thu hồi, quản lý, cơ cấu và bán tài sản) cần được đề cập rõ ràng. Theo quan điểm của nhóm tác giả, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách hiện nay và ảnh hưởng của việc sử dụng nguồn vốn công tới nợ nước ngoài, tỷ lệ tài trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước chỉ nên ở mức dưới 20%.

Ngoài ra, báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng đề cập tới chính sách điều hành và dự báo lãi suất, tỷ giá trong thời gian tới. Theo đó, ngân hàng do dư thừa thanh khoản lớn nên có thể sẽ giảm lãi suất huy động, thậm chí giảm xuống mức thực âm. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất khi đi quá xa có thể gây mất cân đối thị trường khác như: USD, vàng, bất động sản.

Đối với vấn đề tỷ giá, nhóm nghiên cứu cho rằng tỷ giá ổn định đã mang lại nhiều tích cực, trong đó có góp phần ổn định vĩ mô. Tuy nhiên cũng gây khó khăn nhất định cho doanh nghiệp trong nước, nhất là khu vực xuất khẩu. Theo đó, tỷ giá trong dài hạn cần điều chỉnh định hình lại. Theo đề xuất, trong nửa cuối năm nay, tỷ giá nên điều chỉnh khoảng 2 - 3% .

Dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 2 kịch bản với mức tăng trưởng 5,04 - 5,35%, đều thấp hơn so với mục tiêu 5,5% đặt ra. Ở kịch bản thứ nhất, nếu lạm phát năm nay dừng ở mức 4,95% thì tăng trưởng sẽ đạt mức 5,04%. Với kịch bản thứ hai, nếu lạm phát là 6,64% thì tăng trưởng sẽ đạt 5,35%.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện