Tồn tại rủi ro nợ xấu của nhóm ngân hàng sẽ tăng trong năm 2024 do nợ xấu từ trái phiếu doanh nghiệp tăng cao. Ảnh: TL.
Nợ xấu ngân hàng khó bùng nổ
Trong nửa đầu năm 2023, chất lượng tài sản của ngành ngân hàng suy giảm khi tỉ lệ nợ xấu (NPL) và nợ xấu hình thành tăng lên ở phần lớn các ngân hàng.
Trong bối cảnh nền kinh tế yếu, tình trạng nợ xấu tăng cao là vấn đề nan giải của hệ thống ngân hàng. Tính tới hết quý III/2023, tỉ lệ nợ xấu tại các ngân hàng niêm yết đã lên tới 2,2%, tăng đáng kể so với mức chỉ 1,6% giai đoạn đầu năm. Trong khi đó, tỉ lệ bao phủ nợ xấu giảm đáng kể do nợ xấu tăng cao và các ngân hàng thương mại chưa đẩy mạnh trích lập dự phòng. Theo đó, chất lượng tài sản của nhóm ngân hàng đang có xu hướng suy yếu. Nếu xét toàn hệ thống ngân hàng, tính tới hết năm 2023, tỉ lệ nợ xấu nội bảng đạt 4,95%, tăng mạnh từ mức chỉ 2% đầu năm (theo số liệu từ Công ty Chứng khoán DSC).
Ngoài những lo ngại về nợ xấu tín dụng, nợ xấu tới từ mảng trái phiếu doanh nghiệp cũng là một rủi ro nhà đầu tư cần chú ý cho năm 2024.
Theo góc nhìn của DSC, sau khi Nghị định 08 (NĐ 08/2023/NĐ-CP) về giãn nợ trái phiếu doanh nghiệp được ban hành, lượng lớn trái phiếu đã được giãn thời gian đáo hạn sang năm 2024. Theo đó, lượng trái phiếu đáo hạn năm 2024 sẽ đạt 280.000 tỉ đồng, tính riêng của ngành bất động sản đạt khoảng 120.000 tỉ đồng. Các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của nhóm ngân hàng hầu như chưa được trích lập dự phòng. Do đó, tồn tại rủi ro nợ xấu của nhóm ngân hàng sẽ tăng trong năm 2024 do nợ xấu từ trái phiếu doanh nghiệp tăng cao.
“Có thể thấy, tình hình nợ xấu tại Việt Nam tại hệ thống ngân hàng hiện vẫn diễn biến khá căng thẳng. Tuy nhiên, để nhìn về mặt tích cực, hiện lãi suất huy động đã giảm về mức thấp kỷ lục, giảm áp lực lãi vay, giảm nguy cơ nợ xấu cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ ngân hàng cải thiện chi phí vốn. Ngoài ra, thông tư giãn nợ tín dụng khả năng cao cũng sẽ được gia hạn trong năm 2024, giúp hệ thống tránh được khả năng nợ xấu bùng nổ”, DSC nhận định.
Ở góc nhìn khác, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng mặt bằng lãi suất thấp ở thời điểm cuối năm 2023 sẽ tiếp tục được duy trì trong năm sau, từ đó tạo động lực thúc đẩy tín dụng và cải thiện chi phí vốn cho các ngân hàng. Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ vẫn quanh mức 12-13% trong bối cảnh triển vọng kinh tế chung chưa hồi phục quá mạnh, và sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng tùy thuộc vào room tín dụng được cấp.
KBSV dự kiến NIM của cả ngành sẽ phục hồi trong năm 2024 dù điều kiện chung chưa thuận lợi tới mức có thể đưa NIM về mức đỉnh như năm 2022.
“Đối với rủi ro ngành, chúng tôi lưu ý diễn biến suy yếu trong chất lượng tài sản từ giữa năm 2024 sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực, bên cạnh rủi ro phục hồi chậm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận của ngành”, KBSV nhận định.
Tuy nhiên, tổ chức này cũng cho rằng việc Thông tư 02 được ban hành và có hiệu lực kể từ tháng 4 đã xoa dịu bớt tình hình căng thẳng về chất lượng tài sản trong quý III. Mặc dù tỉ lệ nợ xấu vẫn tiếp tục gia tăng trong quý III, song một vài dấu hiệu tích cực đã xuất hiện như: tốc độ gia tăng nợ xấu và nợ xấu hình thành chậm hơn so với 2 quý trước, tỉ trọng dư nợ nhóm 2 toàn hệ thống giảm 7,7 so với quý trước.
Có thể bạn quan tâm