Chủ Nhật | 23/11/2014 19:35

Nợ xấu dưới 3% mới cho vay cổ phiếu: Không áp dụng với các hợp đồng ký kết trước tháng 2/2015

Có 2 điều có lẽ làm tạm làm yên lòng các NĐT trong thời điểm trước mắt.

Tỷ lệ nợ xấu được tính theo số tự báo cáo của các TCTD (không phải theo số giám sát của NHNN). Các hợp đồng được ký kết trước ngày Thông tư 36 có hiệu lực thi hành thì ngân hàng và khách hàng được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết cho đến hết thời hạn của hợp đồng.

Theo Thông tư 36/NHNN, dù về mặt lý thuyết hạn mức tín dụng cho vay cổ phiếu của hệ thống ngân hàng là hơn 20 nghìn tỷ, nhưng một trong những điều kiện để ngân hàng thương mại (NHTM) được cấp tín dụng kinh doanh cổ phiếu (CP) là phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Quy định này khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) và Công ty chứng khoán cho là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tìm cách siết chặt dư nợ cho vay chứng khoán (CK), vì tỷ lệ nợ xấu của nhiều NHTM cao hơn mức 3%.

Lâu nay, quan điểm của NHNN là về mặt thông lệ, một thị trường chứng khoán dựa chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng của khu vực ngân hàng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn định, dễ bị đầu cơ, không lành mạnh. Điều này tạo ra rủi ro cho cả NĐT và ngân hàng.

Do đó, việc giới hạn cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu là cần thiết để bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và an toàn tiền gửi của người dân. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới cần nhiều vốn đầu tư cho thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống người dân. Vì vậy, vốn huy động của ngân hàng cần tập trung đầu tư cho các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên để sáng tạo ra nhiều giá trị mới.

Giải thích về mục đích ý nghĩa của các quy định về giới hạn cấp tín dụng nói chung, giới hạn cho vay CP nói riêng, cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết nhằm kiểm soát chặt chẽ và hạn chế tác động tiêu cực của sở hữu chéo, nắm giữ, thâu tóm lẫn nhau giữa việc tổ chức tín dụng (TCTD) thông qua việc cấp tín dụng để khách hàng đầu tư, kinh doanh CP, sau đó nhận ủy quyền đại diện cổ đông cho khách hàng nắm giữ cổ phiếu tại TCTD khác; hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức trong đầu tư, kinh doanh CK.

Hoạt động đầu tư, kinh doanh CK tập trung chủ yếu ở nhóm NHTM cổ phần, tiếp theo là nhóm NHTM Nhà nước. Các ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNg) chủ yếu đầu tư vào tín phiếu kho bạc Nhà nước. Như vậy, quy định tỷ lệ nợ xấu dưới 3% sẽ tác động chủ yếu vào các NHTM trong nước.

Còn về phía các NĐT? Một chuyên gia tài chính cho rằng nhóm các NĐT lớn chuyên dùng đòn bẩy tài chính để tạo sóng thị trường sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, có 2 điều có lẽ làm tạm làm yên lòng các NĐT trong thời điểm trước mắt.

Thứ nhất, tỷ lệ nợ xấu được tính theo số tự báo cáo của các TCTD (không phải theo số giám sát của NHNN).

Thứ hai; điều 22 của Thông tư 36 quy định đối với các hợp đồng được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành (kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2015), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết cho đến hết thời hạn của hợp đồng.

Nguồn NDH