Nợ xấu 'đẹp dần', chưa tan nỗi lo
Theo báo cáo trả lời chất vấn của thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, các con số về nợ xấu đã “đẹp dần lên”, chủ yếu nhờ được cơ cấu lại kết hợp với việc sử dụng quỹ dự phòng rủi ro.
Nợ xấu giảm nhờ cơ cấu
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 4.2013, dư nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng là 137,1 ngàn tỉ đồng, tăng 18,7 ngàn tỉ đồng, (15,8%) so với cuối năm 2012. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng lên 4,67% so với mức 4,08% của cuối năm 2012 và 3,07% cuối năm 2011.
Trong khi đó, con số nợ xấu theo cơ quan giám sát NHNN, tuy cao hơn nhiều so với báo cáo của các tổ chức tín dụng, nhưng lại có tín hiệu tích cực ở góc độ, tỷ lệ nợ xấu có biểu hiện giảm xuống. Cụ thể, tính đến 31.12.2012, tỷ lệ nợ xấu đã giảm 1,2% so với thời điểm 30.9.2012, từ mức gần 9% xuống còn 7,8%. Việc cơ cấu lại nợ theo quyết định 780/QĐ-NHNN đã giúp hệ thống ngân hàng cơ cấu được khoản nợ xấu 284,4 ngàn tỉ đồng.
Cùng với đó, quyết định 780 cũng giúp hệ thống ngân hàng giảm bớt được khoản phải trích lập dự phòng rủi ro 14,4 ngàn tỉ đồng. Trong khi đó, chênh lệch thu – chi của toàn hệ thống ngân hàng luỹ kế đến tháng 4.2013 chỉ là 13,1 ngàn tỉ đồng, giảm 40% so với năm 2011. Nếu không giảm được khoản trích lập nói trên, hệ thống ngân hàng đã rơi vào tình trạng âm trong chênh lệch thu – chi tới 1,3 ngàn tỉ đồng.
Cụ thể, tính đến hết tháng 4.2013, hệ thống ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro được 150,3 ngàn tỉ đồng, trong đó đã dùng 76,7 ngàn tỉ đồng để xử lý nợ xấu (năm 2012 xử lý 69,2 ngàn tỉ đồng, bốn tháng đầu năm xử lý 7,5 ngàn tỉ đồng). Như vậy, số dư dự phòng rủi ro còn lại chưa sử dụng là 73,6 ngàn tỉ đồng, tăng 14,6% so với cuối năm 2012. Do đó, nếu tiếp tục sử dụng khoản dự phòng rủi ro này, có thể xử lý được hơn một nửa giá trị nợ xấu – theo con số báo cáo của các tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, việc thành lập công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng VAMC (dự kiến chính thức hoạt động vào 9.7 tới đây), theo dự kiến của thống đốc NHNN là “sẽ góp phần giải quyết nợ xấu từ 40.000 – 70.000 tỉ đồng”. Như vậy, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã có hướng xử lý cơ bản, ít nhất là trên sổ sách.
Chưa thể vội mừng
Nguyên phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, cảnh báo, mặc dù đã có phương án xử lý nợ xấu, bằng cách cơ cấu lại nợ, thành lập công ty VAMC, song đó không phải là liều thuốc cho mọi ngân hàng, nhất là những ngân hàng nhỏ, yếu kém. Cụ thể, khi VAMC xử lý nợ xấu, trái phiếu chính phủ được đưa vào nội bảng và trở thành tài sản tài chính, tài sản này sẽ phải trích lập dự phòng, nghĩa là ngân hàng nào càng nhiều nợ xấu, chi phí càng tăng mạnh, trong bối cảnh tín dụng đầu ra chậm.
Trên thực tế, hoạt động ngân hàng tiếp tục đối mặt với hàng loạt thách thức. Tăng trưởng tín dụng của hệ thống, tuy đã nhích lên, song vẫn ở mức thấp: năm tháng đầu năm tăng 2,98% so với cuối năm 2012; nợ xấu vẫn tiếp tục tăng; mặt bằng lãi suất giảm nhanh, mạnh, khiến chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra, sau khi trừ đi chi phí dự phòng rủi ro, theo vụ trưởng vụ Chính sách tín dụng NHNN Nguyễn Thị Hồng, chỉ còn 1,93%, giảm so với mức 2,33% hồi cuối năm 2012. Trong số 104 tổ chức tín dụng có chênh lệch thu – chi dương, có 20 tổ chức tín dụng có mức chênh lệch giảm so với cùng kỳ năm trước.
Đơn cử như ngân hàng Vietinbank, mặc dù đã được cơ cấu lại nợ, song lợi nhuận sau thuế quý 1/2013 của ngân hàng chỉ đạt 1.042,46 tỉ đồng, giảm 32,3% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, quý 1/2013, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của Sacombank giảm 16,36%; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng Techcombank giảm 43,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của ACB giảm hơn 60%...
Theo tổng giám đốc ngân hàng Eximbank Trương Văn Phước, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng giảm mạnh, chủ yếu do lãi suất cho vay liên tục giảm, trong khi chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh. “Mặc dù nợ xấu đã được cơ cấu lại, giúp áp lực trước mắt của hệ thống ngân hàng giảm xuống, song bản chất của những khoản nợ đó vẫn không vì vậy mà bớt xấu đi. Thậm chí, nếu các tổ chức tín dụng vì được cơ cấu mà lơi là với quản trị, nợ xấu sẽ bùng trở lại, thành áp lực lớn hơn trong thời gian tới”, ông Phước nói.
Chủ tịch HĐQT một ngân hàng tại Hà Nội cũng chia sẻ, trong môi trường kinh doanh khó khăn chung, có một vài lĩnh vực vẫn có lợi thế, như hàng tiêu dùng, dược phẩm… Song hoạt động ngân hàng liên quan đến mọi lĩnh vực, ngành nghề, nên trong bối cảnh khó khăn, sẽ là nơi cuối cùng phải chứa đựng, hứng chịu những khó khăn của từng lĩnh vực đó – qua những khoản nợ xấu – mà không ít trường hợp chỉ một món nợ không trả được có thể đánh bay lợi nhuận của cả một ngân hàng, thậm chí ăn cả vào vốn.
(Theo SGTT)