Thứ Tư | 10/10/2012 14:35

Nợ xấu Đà Nẵng đến cuối tháng 9 tăng hơn 180%

Dù hầu hết nợ xấu có tài sản bảo đảm, nhưng hiện tính thanh khoản của các loại tài sản đảm bảo yếu nên khả năng thu hồi nợ rất hạn chế.
Theo Thời báo Ngân hàng, tròn 9 tháng đầu 2012, dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Đà Nẵng chỉ tăng được 0,55% so với cuối năm 2011, với tổng dư nợ khoảng 48.600 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 8.600 tỷ đồng, giảm 1,69% so với đầu năm 2012. Dư nợ cho vay bằng VND 40.000 tỷ đồng, tăng 1,04% so với đầu năm 2012.

Cho vay ngắn hạn 26.600 tỷ đồng, tăng 0,88%; dư nợ tín dụng trung, dài hạn thực hiện 22.000 tỷ đồng, tăng 0,15% so với đầu năm 2012.

Con số tăng trưởng được đánh giá thấp nhất trong 15 năm qua tại địa bàn này. Hầu hết các TCTD đều không đảm bảo được kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng theo kế hoạch đề ra mặc dù đã tăng cường cho vay và tìm kiếm khách hàng có phương án làm ăn hiệu quả.

Theo các chuyên gia, nợ xấu được xem làm nguyên nhân tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng qua.

Bên cạnh việc khó xử lý tài sản đảm bảo nợ vay, điều kiện thị trường đang đối mặt với những khó khăn, hàng tồn kho tăng, làm cho tình hình tài chính của doanh nghiệp đang yếu dần, không còn khả năng trả nợ ngân hàng.

Hầu hết tài sản đảm bảo cho các khoản vay là bất động sản. Do vậy khi thị trường bất động sản đóng băng sẽ làm ảnh  hưởng trực tiếp đến khả năng xử lý tài sản đảm bảo. Dẫn đến việc gia tăng nợ xấu và doanh nghiệp khó có thể tiếp cận thêm nguồn vốn mới, khi nợ cũ chưa xử lý xong...

Đà Nẵng vốn là địa phương có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất so với cả nước nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong những tháng qua, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn đã tăng mạnh. Đến cuối tháng 9/2012, nợ xấu đã tăng 180,61% so với cuối năm 2011.

Đánh giá về khả năng tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng, dù lãi suất cho vay VND liên tục giảm nhưng khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng trong những tháng tới vẫn rất khó, nếu không có sự thay đổi lớn về các nhóm giải pháp nhằm tăng tổng cầu xã hội.

Ở một khía cạnh khác, Tiến sĩ Hồ Kỳ Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng phân tích, hiện tỷ lệ cho vay/huy động vốn trên địa bàn đang ở mức cao 113,19%, mặc dù đã giảm đáng kể so với những năm trước. Cụ thể: năm 2011, 124%; năm 2010, 120%; năm 2009, 174%.

Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng đang phải giảm tỷ lệ dư nợ/huy động vốn về mức 80-90% theo đề án tái cơ cấu. Vì vậy, khả năng tăng trưởng tín dụng những tháng còn lại của năm 2012 sẽ không nhiều đột biến., ông Kỳ nhận định.

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện