Nợ xấu của ngân hàng tại TP.HCM gần 46.000 tỉ đồng
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế của thành phố đã và đang có những bước tiến triển khả quan, tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm là: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Kết quả cho thấy TP.HCM đã thực hiện hiệu quả công tác tái cơ cấu đầu tư công, đã giảm tỉ trọng vốn khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, mở rộng phạm vi và cơ hội đầu tư tư nhân, khuyến khích đầu tư tư nhân phát triển.
TP.HCM có 108 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trong đó có 15 doanh nghiệp đang thực hiện sáp nhập, giải thể, phá sản, bán; 17 tổng công ty và công ty TNHH 1 thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con…
Về việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, TP.HCM đã phê duyệt đề án tái cơ cấu 14 tổng công ty, công ty và cổ phần hóa 3 doanh nghiệp nhà nước.
Qua đó, vốn ngoài nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng tăng dần từ 59,9% (năm 2011) lên 62,7% (năm 2013), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng từ 15,5% (năm 2011) lên 16,1% (năm 2013).
Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, TP.HCM có 11/14 ngân hàng thương mại cổ phần được phê duyệt phương án tái cơ cấu. Tổng vốn huy động của 14 ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP.HCM đạt trên 985.000 tỉ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt trên 611.000 tỉ đồng; tính đến tháng 2-2014, tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM là gần 46.000 tỉ đồng.
Đoàn giám sát đã ghi nhận nỗ lực của TP.HCM trong việc triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế, là một trong các địa phương đi đầu trong cả nước về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích các nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khó khăn của TP.HCM trong quá trình thực hiện tái cơ cấu.
Nguồn Tuổi Trẻ