Nợ xấu chứng khoán không dễ đòi
12.000 tỷ đồng có phải con số nợ xấu cuối cùng của chứng khoán?
Các chuyên gia tài chính cho rằng, có một thời kỳ, các nghiệp vụ đòn bẩy tài chính công khai và biến tướng đã xóa nhòa ranh giới giữa thị trường vốn và thị trường tài chính, khiến cho một khối lượng tiền khổng lồ được đẩy ra thị trường với bản chất là những khoản nợ tín dụng mà đầu mối cung cấp gồm cả các ngân hàng và các công ty chứng khoán.
Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác hỗ trợ cho vay và các phương thức hợp tác kinh doanh về nguồn vốn giữa các ngân hàng với các công ty chứng khoán cũng làm gia tăng khối lượng vốn sử dụng vào các hoạt động mang tính chất tín dụng.
Tuy nhiên, vì là lĩnh vực thị trường vốn, nên khi cung cấp tiền cho khách hàng, các công ty chứng khoán và các ngân hàng không thể áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro tín dụng để kiểm soát hậu quả mất vốn và chính điều này là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến một khối lượng nợ xấu tương đối lớn của lĩnh vực chứng khoán hình thành.
Ông Trần Minh Hải - Công ty luật Basico khẳng định, khó có cơ sở để xác định đúng thực trạng số lượng dư nợ xấu, vì ngay cả thông số nợ xấu của ngành ngân hàng nói chung cũng liên tục có những số liệu gia tăng từ các nguồn thông tin khác nhau và đến nay cũng chưa thể khẳng định có con số thực sự đáng tin cậy cuối cùng.
"Nếu con số dư nợ đúng như NHNN công bố là 12.000 tỷ đồng thì không đáng ngại lắm. Tuy nhiên, e rằng con số thực còn lớn hơn gấp nhiều lần" - Ông Hải nói.
Ông Hải đưa ra một số lý do, trong quá khứ các ngân hàng đã tìm mọi cách lách quy định về cấm cho vay chứng khoán trong môt số trường hợp, lách các quy định về giới hạn cho vay không quá 20% vốn điều lệ, về giới hạn cho vay không quá 16% dư nợ đối với nhóm không khuyến khích cho vay, về cho vay chứng khoán phải có bảo đảm tiền vay, về trích lập dự phòng cao,... Như vậy, mức độ rủi ro không chỉ tăng theo số lượng, mà còn lớn hơn do sự bắc cầu, vòng vo giả hiệu.
Hơn nữa, do đặc thù trong lĩnh vực này suốt một thời kỳ, các hoạt động cho vay trá hình của ngân hàng cho công ty chứng khoán dưới nhiều hình thức như đặt cọc giao dịch mua bán giấy tờ có giá.., ủy thác vốn tìm kiếm cổ phiếu …. cũng tiềm ẩn một rủi ro về số lượng nợ xấu chưa thể thống kê về lĩnh vực này;
Nợ xấu chứng khoán có dễ đòi?
Ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc phân tích Quỹ SHF cũng cho rằng con số 12.000 tỷ đồng là khá nhỏ so với nền kinh tế và nợ xấu của các lĩnh vực khác và đến phần nhiều từ việc cho margin, cho vay mua T+2 của một số công ty chứng khoán có mô hình kinh doanh quá rủi ro và hiện giờ họ đã phải trả giá và khả năng thu hồi là rất khó khăn.
Theo ông Đức, một phần không nhiều công ty chứng khoán có thể thu hồi thông qua việc bán các cổ phiếu không thanh khoản khi thị trường phục hồi (gồm cả cổ phiếu OTC), phần còn lại sẽ mất trắng và khiến nhiều công ty trong số này phải đóng cửa nếu không được các cổ đông lớn tiếp tục bơm thêm vốn.
Theo động thái đóng cửa của nhiều công ty chứng khoán gần đây thì có lẽ nhiều cổ đông cũng không còn đủ niềm tin và kiên nhẫn để tiếp tục bơm thêm vốn cho CTCK nên việc đóng cửa của một số công ty là khó tránh khỏi.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Hải bổ sung, nếu cho vay bảo đảm bằng bất động sản, thì việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ đã rất khó khăn do tài sản giảm giá tới 40-50% so với lúc nhận bảo đảm.
"Nếu bảo đảm bằng chứng khoán, đặc biệt là bằng chính chứng khoán cho vay để mua, thì mức độ rủi ro còn tăng lên nhiều hơn nữa" - Ông Hải nói.
Khi cho vay mà khách hàng không trả được nợ, thì thường các ngân hàng phải dựa vào chỗ dựa cuối cùng là xử lý tài sản bảo đảm. Với hiện trạng về tài sản bảo đảm như vậy, có thể nói khả năng thu hồi nợ là rất xấu. Chưa kể đến những khoản nợ dưới hình thức tín chấp, thì khả năng thu hồi nợ còn xấu hơn.
Nguồn CafeF