Nợ xấu cao, Sacombank tính khắc phục trong 3-5 năm
Vấn đề được quan tâm nhiều nhất là nợ xấu của Sacombank hiện bao nhiêu sau khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, Sacombank có 13.166 tỉ đồng nợ xấu, tương đương với 6,8% dư nợ. Nếu tính cả số nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) là 37.300 tỉ đồng thì tổng số nợ xấu của Sacombank khoảng 50.000 tỉ đồng.
Ngoài ra Sacombank còn 21.500 tỉ đồng dự thu từ 2015 trở về trước được Ngân hàng Nhà nước cho phép khoanh lại và 9.000 tỉ đồng từ tài sản cấn trừ nợ.
Trao đổi với báo chí chiều 29-5, ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cho biết khoản nợ xấu này phần lớn từ Ngân hàng Phương Nam.
Theo ông Tuấn, trước đây Ngân hàng Phương Nam cho vay theo quan điểm dựa vào tài sản đảm bảo. Tuy nhiên do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài từ năm 2008 đến 2012 làm phát sinh nợ xấu và kéo dài đến nay chưa thể giải quyết được.
Vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã thông qua đề án tái cấu trúc Sacombank theo đó cho Ngân hàng Sacombank thời hạn 10 năm (kể từ 2015) để xử lý dứt điểm nợ xấu. Như vậy nếu theo đúng lộ trình thì đến 2025 Sacombank sẽ sạch nợ xấu.
“Tuy nhiên lộ trình 10 năm là do Sacombank đề ra trên cơ sở thận trọng, còn nếu điều kiện thuận lợi thì lộ trình xử lý nợ xấu cơ bản của Sacombank sẽ rút ngắn chỉ còn khoảng từ 5 năm”, ông Tuấn khẳng định.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm là phần lớn khoản nợ xấu đến từ NH Phương Nam đều có tài sản đảm bảo tương đối đầy đủ. Tuy nhiên thời gian qua việc xử lý bị vướng do cơ chế và do ảnh hưởng từ việc thị trường bất động sản bị đóng băng.
Còn hiện nay tính thanh khoản của thị trường bất động sản đã được cải thiện và nếu Nghị quyết về việc xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua theo đó cho phép khi khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng được phép bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ mà không phải qua tòa án thì quá trình xử lý nợ xấu của Sacombank sẽ được đẩy nhanh hơn.
Cụ thể, trong khoảng 3 năm, NH ước xử lý được 70% nợ xấu và sau 5 năm nợ xấu sẽ được xử lý tương đối dứt điểm để ngân hàng hoạt động hiệu quả và duy trì tốc độ tăng trưởng như trước khi sáp nhập.
Sau sáp nhập, hiện nay hoạt động của NH Sacombank đã có lãi và nếu việc xử lý tài sản đảm bảo thuận lợi sẽ tạo thêm dư địa cho việc xử lý nợ xấu.
Liên quan đến vấn đề nhân sự tham gia tái cơ cấu Sacombank, ông Tuấn cho biết theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, sẽ ưu tiên nhân sự tại chỗ của Sacombank bên cạnh đó có bổ sung một số nhân sự có năng lực, kinh nghiệm từ các ngân hàng khác.
Đến nay danh sách ứng viên chưa có gì thay đổi so với danh sách chốt ngày 26-4.
Nguồn Tuổi trẻ