Nợ xấu cao do ngân hàng định giá tài sản đảm bảo cao hơn giá trị thực
Như việc định giá đất lâu nay thường được các ngân hàng định giá theo giá thị trường tại nơi có đất, nhưng sau một thời gian giá đất sụt giảm và tài sản bảo đảm này không còn giá trị cao như thời điểm định giá. Các ngân hàng đã phải trả giá và phải trích lập thêm dự phòng rủi ro cho việc này.
Trong hơn 200.000 tỷ đồng nợ xấu của ngân hàng vừa qua có gần 70.000 tỷ đồng đã được trích lập dự phòng rủi ro. Còn hơn 130.000 tỷ đồng còn lại là có tài sản đảm bảo nhưng đến nay giá trị tài sản đảm bảo không còn được như con số trên, như vậy các ngân hàng lại phải tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro và ghi thêm vào chi phí nên lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm đi, đó là cái giá phải trả.
Về lợi nhuận của các ngân hàng, ông Trương Ngọc Anh cho rằng, chỉ nhìn vào tỷ suất lợi nhuận trên vốn của hệ thống ngân hàng so với doanh nghiệp thì đó là một khoản lợi nhuận lớn. Nhưng không thể chỉ nhìn vào số lợi nhuận thực tế, tức là số tuyệt đối mà các tổ chức tín dụng giải trình để so sánh họ lãi nhiều hay ít.
Đầu tiên, phải tính đến khoản trích lập dự phòng rủi ro mà các ngân hàng phải thực hiện. Thứ hai, cái gốc lợi nhuận đó là lãi suất mà trong cả năm 2011 và quý 1/2012, chi phí đầu vào của các ngân hàng rất cao.
Cụ thể, tính đến phần cho vay, tức lãi suất đầu ra tuy có chênh lệch so với lãi suất đầu vào nhưng nếu tính cả phần chi phí dự phòng rủi ro cho khoản nợ xấu thì thực tế, mức chênh lệch này chỉ khoảng 2-2,5%, trong khi đó để đạt mức hòa vốn thì mức chênh lệch này phải từ 3-3,5%...
Trong hệ thống ngân hàng có thể có một vài tổ chức tín dụng có tỷ suất lợi nhuận cao hơn do quản trị rủi ro tốt. Nhưng nếu tính tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của cả hệ thống ngân hàng cho đến thời điểm hiện nay thì lợi nhuận của ngân hàng chưa thể nói là cao.
Nguồn VnEconomy