Nợ xấu cao do mở hàng loạt ngân hàng?
Ngày 30/7/2015, Ngân hàng Nhà nước công bố nội dung trả lời ý kiến cử tri - được chuyển từ Ban Dân nguyện của Quốc hội.
Cụ thể, cử tri tỉnh Long An đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại việc cho phép mở hàng loạt các ngân hàng cổ phần hoạt động như trước đây, điều dẫn đến nợ xấu tăng cao những năm gần đây.
Trước đề nghị này, văn bản dẫn nội dung trả lời của Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận: “Nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng phát sinh do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân từ việc cho phép thành lập và hoạt động nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trong thời gian trước đây khi tín dụng tăng trưởng nhanh và năng lực quản trị, điều hành của ngân hàng thương mại cổ phần còn nhiều hạn chế”.
Trước đó, trong những năm 2005 - 2008, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương cho chuyển đổi loạt 13 ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn lên đô thị.
Việc chuyển đổi quá nhanh và áp lực tăng vốn ngay sau đó từng được một số chuyên gia nhìn nhận là một trong những nguyên nhân dẫn đến bất ổn trong hệ thống sau này, bao gồm cả vấn đề nợ xấu.
Trong một báo cáo chuyên đề mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng và công bố năm 2012, chuyên gia Đinh Tuấn Minh từng nhấn mạnh: việc chuyển đổi quá nhanh loạt 13 ngân hàng nói trên, cùng sự phát triển quá nhanh chỉ vài năm sau đó, đã sớm thể hiện tầm ảnh hưởng đối với hệ thống.
Cụ thể, chuyên gia Đinh Tuấn Minh điểm lại: 13 ngân hàng trước khi chuyển đổi vốn điều lệ chỉ có khoảng vài chục đến vài trăm tỷ đồng, nhưng theo yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng vào năm 2011 (vốn pháp định), họ đã buộc phải tăng vốn chủ sở hữu lên 10 - 20 lần chỉ trong vòng có 5 năm.
“Hậu quả của việc phải phát triển với tốc độ cực nhanh của nhóm các ngân hàng này là chúng phải tăng trưởng tài sản bằng mọi giá để tương ứng với lượng vốn chủ sở hữu tăng thêm. Do trình độ quản trị của các ngân hàng này không theo kịp với đà tăng tài sản nên dẫn đến việc chất lượng tín dụng của các ngân hàng này kém”, tác giả Đinh Tuấn Minh phân tích.
Thậm chí, để đáp ứng yêu cầu tăng vốn cực nhanh đó, có những ngân hàng buộc phải dựa vào nguồn vốn của các ông chủ, các tập đoàn cả nhà nước lẫn tư nhân, để rồi bị biến thành “sân sau”, và có thể bị thao túng dẫn đến những hệ quả sau này…
Trở lại với văn bản trả lời ý kiến cử tri nói trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và đề án xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã tạm dừng cấp phép thành lập ngân hàng mới để tập trung củng cố, chấn chỉnh các ngân hàng hiện có, cũng như thực hiện giảm bớt số lượng trong hệ thống.
Cụ thể, qua chủ trương sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng trên nguyên tắc tự nguyện và theo quy định của pháp luật, từ năm 2011 đến 15/6/2015, hệ thống đã giảm được 15 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Phần lớn trong 15 tổ chức tín dụng trên là các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém đã được xử lý qua sáp nhập, hợp nhất. Ngoài ra, 3 ngân hàng yếu kém khác vẫn hoạt động nhưng đã được Ngân hàng Nhà nước đứng ra xử lý bằng mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng thời gian gần đây.
Nguồn Vneconomy