Nở rộ dịch vụ giao hàng thực phẩm
Tờ Nikkei mới đây cho biết ngành kinh doanh giao hàng khá mới mẻ tại Việt Nam đang nở rộ, vốn hoạt động bằng cách mua và giao hàng đến tận nhà. Với nhu cầu ngày một tăng của khách hàng, các nhà bán lẻ cũng đang gia tăng hoạt động trong lĩnh lực này, nhất là các "ông lớn" nước ngoài như Big C (Pháp/Thái Lan), Aeon (Nhật). Tuy nhiên, "cuộc chơi" giao hàng cũng đã bắt đầu ghi nhận sự xuất hiện của các doanh nghiệp Việt.
Nở rộ dịch vụ giao hàng tận nhà
Theo một người tiêu dùng đã mua hàng qua trang web mua hàng trực tuyến của Nguyên Khang, khi đặt hàng vào buổi tối hôm nay, vị khách này đã có thể nhận được hàng vào buổi chiều ngày hôm sau, sau khi kết thúc giờ làm và về nhà.
Giống như các trang web mua sắm trực tuyến khác, Nguyên Khang lên danh sách sản phẩm gợi ý đến khách hàng. Vị khách này cho biết, dịch vụ đặt hàng như vậy rất hữu ích vì không cần phải đi mua sắm.
Nguyên Khang bắt đầu triển khai dịch vụ này từ tháng 7. Công ty mua thực phẩm tươi sống tại các chợ trong buổi sáng, sau đó phân loại rồi giao theo đơn đặt hàng của khách.
Mua sắm thông qua đại lý giao hàng thường tốn thêm khoảng 10 - 20% chi phí so với cách mua thông thường. Mặc dù vậy, lượng khách hàng của Nguyên Khang đã tăng trung bình 30 người mỗi tháng, doanh thu hàng tháng cũng ghi nhận khoảng 2 tỷ đồng.
Dịch vụ giao hàng của Nguyên Khang - Ảnh: Nikkei |
Theo Nikkei, các dịch vụ giao hàng như thế này tại Việt Nam mới chỉ thực sự cất cánh từ cuối năm ngoái. Đang có hơn 50 công ty vừa và nhỏ cung cấp dịch vụ này tại Hà Nội và TPHCM. Hiện có đến 50.000 người tiêu dùng tham gia một nhóm liên quan đến ngành này trên facebook.
Trong khi đó, chuỗi cửa hàng Bác Tôm tại Hà Nội đã bắt đầu triển khai dịch vụ giao hàng tận nhà đối với tất cả 6 cửa hàng của họ từ hơn một năm nay. Khách hàng đang sinh sống trong phạm vi 2 km của mỗi cửa hàng và hóa đơn trên 200.000 đồng sẽ được giao hàng miễn phí. Những người ở xa hơn phạm vi này vẫn có thể được giao hàng miễn phí nếu hóa đơn mua hàng có giá trị trên 500.000 đồng.
Các yêu cầu giao hàng cho Bác Tôm đã tăng 50% so với hồi cuối năm ngoái. Tuy nhiên, chuỗi siêu thị này cho biết đang phải chịu áp lực lớn khi các đối thủ mới cũng tham gia vào cuộc đua thị phần.
Cạnh tranh khốc liệt với hãng ngoại
Với khoảng 30 trung tâm tại Việt Nam, chuỗi siêu thị Big C cũng đang ráo riết triển khai dịch vụ giao hàng tận nhà cho người tiêu dùng với hóa đơn mua hàng có giá trị lớn tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Big C hiện không áp dụng dịch vụ giao hàng đối với các sản phẩm đông lạnh, thực phẩm tươi sống... Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người tiêu dùng sử dụng dịch vụ giao hàng của Big C.
Còn Aeon thì dự định giới thiệu các dịch vụ giao hàng tại các chuỗi siêu thị của hãng ở TPHCM, Bình Dương và Hà Nội - chuỗi siêu thị sẽ mở cửa vào cuối tháng 10. Người tiêu dùng sẽ phải chi ít nhất 300.000 đồng cho một đơn hàng, đồng thời có phạm vi sinh sống dưới 10 km sẽ được sử dụng dịch vụ giao hàng miễn phí.
Các nhà bán lẻ nước ngoài đang quan tâm mạnh mẽ đến thị trường tiêu dùng hơn 90 triệu người của Việt Nam. Lượng người tiêu dùng trung lưu đang tăng trưởng đều đặn.
Aeon cho biết, chuỗi siêu thị này có kế hoạch mở đến 10 siêu thị tại Hà Nội và 10 siêu thị tại TPHCM. Công ty đang chuẩn bị mở siêu thị thứ 4 tại TPHCM trong mùa hè năm tới.
Các cửa hàng tiện lợi của doanh nghiệp ngoại cũng đang phát triển mạnh. Chỉ tính riêng TPHCM, có đến 300 cửa hàng liên kết với các chuỗi siêu thị Nhật Bản như FamilyMart, Circle K và Ministop. Hiện, các cửa hàng này vẫn đang phát triển mạnh mẽ.
Theo ước tính, mặc dủ nhỏ hơn nhưng các cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn chiếm hơn 90% thị phần bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các công ty nước ngoài có thể sẽ thay đổi mạnh mẽ ngành này. Các nhà bán lẻ địa phương đang hối hả tìm cách để gia tăng giá trị và tồn tại trước các "cơn bão" nước ngoài.
Trường Văn
Nguồn Nikkei