Thứ Hai | 25/05/2015 16:18

Nợ quá hạn của Vinashin gây áp lực trả nợ cho cả nền kinh tế

Trong tổng số nợ 310,9 triệu USD quá hạn chưa thanh toán, nợ của Vinashin đã chiếm tới 214 triệu USD.

 Kiểm toán nhà nước vừa công bố báo cáo kiểm toán chi tiết năm 2014. Theo đó, các khoản nợ của Vinashin đang là gánh nặng trong việc trả nợ vay của Việt Nam.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố tháng này, đến cuối năm 2013, tổng giá trị các khoản vay nước ngoài được Chính phủ cho vay lại đạt 12,14 tỷ USD.

Trong đó, nợ chủ yếu từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC). Số còn lại là của 62 dự án đã bị xử lý theo thủ tục phá sản, đang cơ cấu lại nợ, khoanh nợ hoặc chờ bán tài sản để thu nợ...

Cụ thể, theo Bộ Tài Chính dư nợ các dự án có nợ quá hạn 1.261,66 triệu USD, trong đó của Vinashin đã chiếm tới hơn 1,02 tỷ USD trong tổng cơ cấu. Các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán 310,9 triệu USD.

Theo đó, có 2 dự án và Vinashin không có khả năng trả nợ 220,73 triệu USD (02 dự án đã được xử lý theo thủ tục phá sản với tổng số dư nợ tương đương 6,19 triệu USD, còn Vinashin là 214,54 triệu USD).

35/62 dự án phải cơ cấu lại nợ, khoanh nợ hoặc chờ bán tài sản để thu nợ với tổng số dư nợ tương đương 75,68 triệu USD; 25/62 dự án gặp khó khăn, bị chậm tiến độ … xin giãn nợ hoặc đang chờ xử lý với tổng số dư nợ 14,5 triệu USD.

Đến 31/12/2013, số còn phải thu về Quỹ tích lũy đối với số tiền ứng trả nợ thay cho các dự án vay lại 252,7 triệu USD, riêng Vinashin 211,4 triệu USD.

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, tổng dư nợ công đến 31/12/2013 theo Luật quản lý nợ công là 1.954.261 tỷ đồng, bằng 54,5% GDP, bao gồm: Nợ Chính phủ 1.528.131 tỷ đồng (nợ nước ngoài 763.198 tỷ đồng, nợ trong nước 764.933 tỷ đồng), chiếm 78,2%.

Nợ được Chính phủ bảo lãnh 396.114 tỷ đồng, chiếm 20,3%; nợ chính quyền địa phương 30.016 tỷ đồng, chiếm 1,5%. Dư nợ nước ngoài của quốc gia đến 31/12/2013 là 1.336.194 tỷ đồng.

Số dư nợ công năm 2013 tăng 18,6% (1.954.261/1.647.124 tỷ đồng) so với năm 2012, trong đó tỷ trọng các khoản nợ trong cơ cấu nợ của Chính phủ tiếp tục thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng nợ vay trong nước, giảm tỷ trọng nợ vay nước ngoài.

Cụ thể, tỷ trọng nợ vay nước ngoài và vay trong nước năm 2013 là 49,94% (763.198/1.528.131 tỷ đồng) và 50,06% (764.933/1.528.131 tỷ đồng).

Về việc vay nợ của Chính Phủ, đến cuối năm 2013, số dư nợ nước ngoài của Chính phủ tương đương 36,28 tỷ USD (763.198 tỷ đồng), tăng 4,92% so với năm 2012; số rút vốn năm 2013 là 109.581 tỷ đồng, số trả nợ 38.752 tỷ đồng.

Số dư nợ vay trong nước của Chính phủ 764.933 tỷ đồng, tăng 38,56% so với năm 2012; số huy động năm 2013 là 306.455 tỷ đồng, số trả nợ 147.061 tỷ đồng.

Trong đó, số dư nợ nước ngoài của 81 dự án được Chính phủ bảo lãnh tương đương 8,96 tỷ USD (188.486 tỷ đồng), tăng 23,89% so với năm 2012.

"Việc xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án không sát thực tế, đầu tư không đồng bộ, dự án triển khai chậm, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, sau đầu tư gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; một số doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản trị chi phí, rủi ro hối đoái, dòng tiền… dẫn đến việc sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, một số dự án gặp khó khăn trong việc trả nợ, Quỹ tích lũy phải ứng trả nợ thay lớn và có nguy cơ biến thành nghĩa vụ trực tiếp của NSNN", Kiểm toán Nhà nước đánh giá.

Nguồn NDH