Hoàng Hạnh Thứ Hai | 10/12/2018 06:30

Nợ ngoại tìm tiền nội

Định hướng chuyển dần phụ thuộc từ vay nước ngoài sang vay trong nước là đúng đắn nhưng...

Canh cánh nợ công

Nhật đối đầu với khoản nợ công gần 10.000 tỉ USD


Cơ cấu nợ của Chính phủ Việt Nam hiện nay là tỉ trọng dư nợ trong nước chiếm khoảng 60% và nợ nước ngoài khoảng 40%. Mới đây, ông Rodrigo Cabral, chuyên gia tài chính cao cấp của World Bank nhận định, định hướng chuyển dần phụ thuộc từ vay nước ngoài sang vay trong nước của Việt Nam là đúng đắn nhưng cần đa dạng hóa khả năng huy động vốn của Chính phủ.

Theo dự tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nợ công của Việt Nam năm 2018 lên tới 3,5 triệu tỉ đồng và tăng thêm 0,8 triệu tỉ đồng sau 2 năm nữa. Báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết thêm, nợ nước ngoài có xu hướng tăng lên, dần tới trần cho phép là 50% GDP. Bức tranh tươi sáng cho nền kinh tế Việt Nam được mường tượng trong kịch bản nếu huy động được vốn vay trong nước, chúng ta không còn phải phụ thuộc quá nhiều vào các khoản vay nước ngoài, không phải chịu rủi ro về tỉ giá. 

No ngoai tim tien noi
 


Vài năm trở lại đây, đã có nhiều ý kiến về việc huy động kho vàng được dự đoán khoảng 500 tấn hay khoản ngoại tệ tương đương 60 tỉ USD đang nằm trong dân. Thế nhưng, việc huy động tiền trong dân mới chỉ dừng lại ở những lời hô hào hoặc là một động thái rào trước để… đón sau. Thêm nữa, ngay sau động thái về một chiến lược của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tập trung xây dựng thị trường vốn trong nước, khống chế mức vay nước ngoài, vay ODA… thì Việt Nam đã quyết định nới trần vay ODA thêm 60.000 tỉ đồng trong 3 năm tới. Điều này đặt ra một thực tế, hoặc là có những thách thức khác không thể hóa giải, hoặc là dân không giàu như vẫn tưởng.

Khả năng thứ hai lại được các vị chuyên gia đề cập đến đầu tiên. Trong một nghiên cứu mới đây, Tiến sĩ Bùi Trinh, Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam, đã chỉ ra nhiều căn cứ để kết luận rằng, với đa số người dân, không những họ không có tiền để dành mà còn phải đi vay để tiêu dùng. Thứ nhất, theo số liệu từ bảng cân đối liên ngành, thu nhập từ sản xuất bình quân toàn nền kinh tế chỉ bằng khoảng 94% tiêu dùng cuối cùng. Nếu trừ đi chi phí bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn, tỉ lệ này xuống dưới 90% tiêu dùng cuối cùng. Như vậy, về bình quân, người dân Việt Nam làm không đủ tiêu.

Xét từ khía cạnh thu nhập, dựa vào bảng cân đối liên ngành, vị chuyên gia này ước tính, tỉ lệ thu nhập giữa sản xuất so với tổng thu nhập giảm từ mức khoảng 74-75% năm 2012 xuống còn 53% năm 2016. Nghịch lý ở chỗ, năm 2016, GDP bình quân đầu người là  2.188 USD; tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2016 khoảng 1.648 USD. So sánh với số liệu 2012, dù GDP bình quân đầu người tăng tới 25%, thu nhập từ sản xuất bình quân của người lao động chỉ tăng 1,2%. Điều này đồng nghĩa, người dân Việt Nam không hưởng lợi nhiều từ sự tăng trưởng GDP và thành phần kinh tế có thặng dư cao và để dành là khu vực đầu tư nước ngoài FDI.

Xét về mặt lý thuyết, lượng kiều hối chuyển về liên tục mỗi năm hơn 10 tỉ USD có thể tạo nên một khoản tích lũy lớn. Tuy nhiên, ngoài khả năng được đưa vào đầu tư mà theo tính toán của Tiến sĩ Bùi Trinh là khoảng 1,2-1,5 tỉ USD/giai đoạn 2016-2018, con số 33 tỉ USD chảy ra nước ngoài không hợp pháp trong giai đoạn 2008-2013 là rất đáng suy ngẫm. Tựu chung lại, nếu có, tiền để dành dường như tiền đó không nằm nhiều ở Việt Nam. 

Về huy động vốn, ngoài hình thức trái phiếu, vốn luôn hấp dẫn các ngân hàng thương mại, không còn hình thức nào để có thể huy động các khoản tiết kiệm nhỏ lẻ của người dân cho các mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng với số vốn lên tới cả ngàn tỉ đồng. Ngay cả khi áp dụng biện pháp này, sức hấp dẫn của nó cũng khó thẳng được những tai tiếng về đầu tư công chậm tiến độ, đội vốn, đầu tư lãng phí, dàn trải…
 

No ngoai tim tien noi
 


Tình trạng các nhà đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư chỉ có khoảng 10-20% vốn tự có, phần còn lại vay ngân hàng, thực chất, người dân mới là nhà đầu tư chính. Éo le thay, chính các ông chủ, bà chủ là người phải ngậm ngùi chịu mức thu phí không minh bạch của các dự án đường BOT, vì thế, họ có lý khi không tiếp tục… đầu tư. 

Trao đổi với NCĐT, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam, thể hiện một góc nhìn cởi mở hơn. Với kim chỉ nam là lợi ích của nền kinh tế, ông Đoàn cho rằng, khi vẫn còn tận dụng được nguồn vay ODA với lãi suất thấp, không có lý do gì để Việt Nam từ chối. Quan trọng là chúng ta phải từ bỏ tâm lý sử dụng tiền ưu đãi thoải mái, không tính toán hiệu quả xảy ra trong những năm vừa qua. 

No ngoai tim tien noi
 


Về phía doanh nghiệp trong nước, phải tự tăng cường nội lực, một mặt, hợp tác sòng phẳng với nhà đầu tư nước ngoài, mặt khác, tạo niềm tin cho gần 100 triệu nhà đầu tư Việt Nam. Vì chắc chắn không ai muốn bỏ tiền vào những địa chỉ không sinh lời.