Nỗ lực giúp ngành dệt may trong xuất khẩu
Ông Calvin Nguyen - Giám đốc toàn quốc - Khối dịch vụ tài chính thương mại, Ngân hàng ANZ Việt Nam chia sẻ với Thời báo Ngân hàng về triển vọng và những hỗ trợ của ANZ với ngành này trong năm nay.
Xin ông cho biết nhận định của mình về triển vọng của lĩnh vực xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là ngành dệt may?
Do xuất khẩu là một trong những mảng trọng tâm trong chiến lược phát triển của ANZ tại Việt Nam nên chúng tôi luôn theo sát những chuyển động của lĩnh vực này. Có thể nói, trong năm qua, xuất khẩu đã tăng trưởng như mong đợi. Điều này giúp kéo tiềm lực sản xuất và năng lực cạnh tranh của Việt Nam lên một bậc mới.
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng toàn lĩnh vực xuất khẩu trong năm qua là 16,2% đạt kim ngạch121 tỷ USD trong đó đặc biệt có sự đóng góp (hay còn gọi là sự trở lại ngoạn mục) của nhóm các liên doanh/doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam (tăng 23.5%).
Trong đó, nhóm hàng điện tử đã thực sự tăng tốc trở thành mặt hàng xuất khẩu số 1 của Việt Nam trong năm 2013, chủ yếu do sự cam kết lâu dài của các nhà sản xuất linh kiện và hàng điện thoại, điện tử hàng đầu thế giới và sự tập trung sản xuất dây chuyền chuyên biệt tại Việt Nam.
Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến nhân tố chủ chốt, đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực xuất khẩu trong nhiều năm qua, đó là ngành dệt may. Dệt may năm 2013 đứng trên tất cả các ngành xuất khẩu chủ lực truyền thống, đạt kim ngạch xuất khẩu 16.5 tỷ USD (11 tháng đầu năm).
Theo quan sát của chúng tôi, các nhà xuất khẩu dệt may Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị trí của mình, đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc khi vẫn duy trì được tăng trưởng (Mỹ 9,2%, Hàn Quốc 9%, Nhật 17%) trong điều kiện sức mua toàn cầu đang chạm đáy.
Những nền tảng này cộng với việc Việt Nam đang vươn mình trở thành điểm sáng trong chuỗi dây chuyền sản xuất toàn cầu giúp chúng tôi luôn tin tưởng vào năng lực xuất khẩu và tiềm năng phát triển của ngành dệt may.
Vậy đâu là những thế mạnh và đâu là những thách thức mà dệt may đang gặp phải?
Với mạng lưới mạnh ở châu Á và Thái Bình Dương, gần đây khi trao đổi với các nhà đầu tư trong khu vực, chúng tôi quan sát thấy một xu hướng là nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Hồng Kông, Đài Loan đang nhìn Việt Nam như một điểm đến thay thế cho Trung Quốc.
Dệt may là một trong những ngành mà ANZ Việt Nam tập trung hỗ trợ trong năm 2014
Một trong những lý do là chi phí nhân sự ở Việt Nam rất cạnh tranh so với Trung Quốc. Lý do là thứ hai mà các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào Việt Nam là để đón đầu những cơ hội mà Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể mang lại.
Không chỉ có vậy, các nhà xuất khẩu có thể ngắm đến Trung Quốc - thị trường láng giềng của Việt Nam như một điểm đến đầy tiềm năng cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Các nhà xuất khẩu Việt Nam trong nhiều năm qua cũng chủ động đầu tư đổi mới dây chuyền, thay đổi mẫu mã, đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng, phong phú và "khó tính" của thị trường quốc tế.
Xét về vĩ mô, một điều khuyến khích các nhà đầu tư đến với Việt Nam là chế độ chính trị xã hội ổn định và nhất là cam kết của Chính phủ đối với lợi ích của ngành dệt may. Trong một môi trường cạnh tranh toàn cầu, sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam là một điều kiện không thể thiếu cho ngành phát triển.
Theo ông, dệt may của Việt Nam hiện nay đang đứng ở đâu trên bản đồ thế giới? Và làm sao để các nhà xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cấp cao hơn?
Chúng ta có thể tự hào khi biết rằng, giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đã phát triển 8 lần trong một thời gian ngắn. So với các nước trong khu vực có quá trình phát triển lâu dài hơn chúng ta, thì đây quả là một điểm sáng. Chúng ta thường xuyên đứng trong Top 5 các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, cũng là thị trường truyền thống và khốc liệt nhất trên thế giới, luôn chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may.
Nhận thấy tiềm năng và thách thức của ngành, ngoài việc tài trợ thương mại, tín dụng cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, ANZ còn luôn chủ động hỗ trợ, tìm kiếm thị trường mới cho khách hàng thông qua mạng lưới rộng khắp của mình tại châu Á. Đơn cử như Hàn Quốc là một trong những thị trường mới mà ANZ đang hết sức hỗ trợ khách hàng của mình.
Ngoài các tiềm năng to lớn, những khó khăn mà ngành dệt may Việt Nam gặp phải cũng không nhỏ. Ví dụ, chi phí thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp ở Việt Nam đang ngày càng tăng. Hay đối với mảng nhuộm nói riêng, do yêu cầu quản lý môi trường chặt chẽ và vốn là thế mạnh truyền thống của các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản nên phân khúc này của Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng của mình.
Có một áp lực nào về quản lý ngoại hối đối với ngành này không, thưa ông?
Một lợi thế lớn của nhóm xuất khẩu, đặc biệt là dệt may thì các quy định hạn chế vay ngoại tệ gần đây của NHNN không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Do có ngoại tệ thu từ xuất khẩu hàng bán, các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các NHTM để chọn lựa rổ tiền tệ phù hợp để cân đối đầu ra, nhằm hạn chế tối đa rủi ro ngoại tệ từ mua nguyên liệu đầu vào khi nhập khẩu có thể chiếm đến 70%.
Có thể nói, các quy định gần đây (mới nhất là Thông tư 29/2013/TT-NHNN), thay thế Thông tư 37/2012/TT-NHNN vừa hết hiệu lực) vận hành khá hiệu quả phù hợp theo đặc thù của các nhóm ngành có nguồn thu xuất khẩu và có một phần đầu vào nhập khẩu, trong đó dệt may là điển hình.
Hiện nay ANZ Việt Nam đang có chiến lược và những giải pháp, sản phẩm gì để hỗ trợ cho ngành này?
Là ngân hàng quốc tế đầu tiên có mặt ở Việt Nam từ sau Đổi mới, trong 20 năm hoạt động tại thị trường này, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều thăng trầm và chia sẻ với nhiều nhóm ngành sản xuất chủ lực tại Việt Nam, trong đó có dệt may. Cho đến nay, chiến lược của chúng tôi là tập trung hỗ trợ vào sản xuất cốt lõi và vào các ngành có lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế Việt Nam.
Dệt may là một trong những ngành đạt hầu hết các đặc điểm mà chúng tôi kỳ vọng. Do đó, ngoài việc hỗ trợ tín dụng, điểm khác biệt là chúng tôi còn luôn hỗ trợ khách hàng của mình trong việc tìm kiếm thị trường mới, kết nối khách hàng xuyên quốc gia.
Khi bạn đặt câu hỏi này, cũng là lúc chúng tôi tổng kết hoạt động năm cũ và chào đón năm tài chính mới. Nhóm dệt may hiện chiếm 15% danh mục tín dụng của ANZ Việt Nam và chúng tôi cam kết tiếp tục phát triển danh mục này trong năm 2014, tất cả đều là các nhà sản xuất chuyên nghiệp.
Họ có thể chỉ thuần là nhà sản xuất gia công, hay cũng có thể là những nhà sản xuất đi theo chuỗi cung ứng ngành dọc, phát triển thành thương hiệu bán sỉ và lẻ ở các thị trường truyền thống và cả những thị trường mới.
Chúng tôi khuyến khích sự kết nối các thị trường vì ở đó, ANZ có thể đem lại những lợi ích to lớn và khác biệt: mối quan hệ bạn hàng, thông lệ giao thương quốc tế, quan hệ khách hàng ở thị trường mẹ và thị trường mà khách hàng đang muốn tìm hiểu và tiếp cận…
Bên cạnh đó, các chuyên gia sản phẩm sẽ tư vấn từng tình huống cụ thể để giúp cho các nhu cầu hiện tại và tương lai của khách hàng được phân tích rõ ràng, giao dịch thuận lợi và minh bạch trên nền giao dịch trực tuyến Transactive Asia Strategic (TAS) và trong môi trường dịch vụ "Vì khách hàng" tại 10 điểm chi nhánh, văn phòng đại diện của ANZ tại Việt Nam và mạng lưới rộng lớn của ANZ tại 29 nước khác trên thế giới.
Trong năm 2014, vào dịp Xuân Giáp Ngọ, chúng tôi sẽ tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp trong ngành dệt may trong chuyên đề hội thảo về các sản phẩm, giải pháp chủ lực dành riêng cho nhóm ngành này. Đây chỉ là một trong các nỗ lực thường xuyên của chúng tôi trong suốt năm 2014 tại các địa bàn hoạt động tại Việt Nam, nhằm khuyến khích sự phát triển ngành đi kèm với các cập nhật kinh tế vĩ mô và giải pháp ngành do ANZ tài trợ.
Nhân dịp Xuân Giáp Ngọ, tôi đại diện ANZ tại Việt Nam, cảm ơn sự ủng hộ của các Quý khách hàng trong năm qua, và kính chúc các doanh nghiệp một năm mới Mã Đáo Thành Công, hạnh phúc và thịnh vượng.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn Tin Công Nghệ Tổng Hơp