Nỗ lực đưa dòng vốn châu Âu vào thị trường chứng khoán Việt Nam
“Hơn nửa năm qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã thành công trong ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với hầu hết các quốc gia châu Âu về giám sát công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư. Điều này đang mở ra triển vọng thu hút có hiệu quả dòng vốn từ châu  vào TTCK Việt Nam”, Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long trao đổi với ĐTCK.
Theo phản ánh của một số lãnh đạo công ty quản lý có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, thời gian qua, họ không thể huy động vốn từ thị trường châu Âu, một nguyên nhân là do giữa cơ quan quản lý TTCK của Việt Nam và châu Âu chưa có cơ chế hợp tác về trao đổi thông tin, phối hợp giám sát. Tình trạng này sẽ được tháo gỡ, khi UBCK vừa ký MoU với hầu hết các quốc gia châu Âu, thưa ông?
Thực tế từ thị trường cho thấy, thời gian qua, có trường hợp công ty quản lý quỹ tại Việt Nam gặp khó khăn trong huy động vốn từ châu Âu để lập các quỹ đầu tư vào TTCK Việt Nam, hoặc thu hút các dòng vốn ủy thác từ châu Âu đầu tư vào thị trường Việt Nam. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do Việt Nam chưa ký MoU với Cơ quan quản lý TTCK châu Âu (ESMA) về giám sát các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư.
Trong bối cảnh đó, chỉ trong chưa đầy nửa năm qua, sau khi xin ý kiến của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan về cho phép UBCK chủ trì liên hệ và chịu trách nhiệm ký kết MoU, UBCK đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy ký kết MoU. Đến nay, đã có 25/31 cơ quan quản lý TTCK thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) ký kết MoU với UBCK như: Anh quốc, Thuỵ Điển, Ý, Ailen, Luxembourg, Pháp… Trong đó, Luxembourg và Ailen lần lượt đứng thứ 2 và 3 trên thế giới về quy mô tổng tài sản của ngành quản lý quỹ đầu tư.
Việc thành công trong ký MoU với cơ quan quản lý TTCK hầu hết các nước châu Âu giúp TTCK Việt Nam có cơ hội tiến gần hơn với các thị trường TTCK khác trên thế giới, đồng thời mở ra triển vọng cho các công ty quản lý quỹ Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư từ châu Âu. Qua đó, khơi thông thêm luồng vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam.
Để ký MoU với hầu hết các cơ quan quản lý TTCK ở châu Âu, Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện nào, thưa ông?
Chỉ thị châu Âu số 2011/61/EU về các công ty quản lý quỹ đầu tư thay thế (AIFMD) do Nghị viện và Hội đồng EU ban hành, có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2013. Mục tiêu của Chỉ thị này là xây dựng khuôn khổ pháp lý về giám sát toàn diện và hiệu quả đối với hoạt động của các công ty quản lý quỹ trong EU.
ESMA (trực thuộc EU) là cơ quan đại diện cho cơ quan quản lý tại các TTCK châu Âu để đàm phán và ký kết MoU với các cơ quan quản lý trong lĩnh vực chứng khoán nằm ngoài EU. Đây chính là cơ sở cho phép các công ty quản lý quỹ ở các quốc gia nằm ngoài EU (như Việt Nam) được huy động vốn tại châu Âu để lập quỹ, hoặc tiếp nhận vốn từ các quỹ đầu tư ở châu Âu.
Để các công ty quản lý quỹ tại Việt Nam huy động vốn từ EU, các quỹ huy động ở EU được ủy thác cho các công ty quản lý quỹ tại Việt Nam quản lý, theo tinh thần tại Chỉ thị châu Âu số 2011/61/EU, UBCK phải ký MoU nhằm thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin, phối hợp giám sát hoạt động của các công ty quản lý quỹ với ESMA. Điều kiện tham gia ký kết gồm: phải là bên đã ký MoU với Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO), không nằm trong danh sách FATF- các quốc gia chưa cam kết về phòng, chống rửa tiền và chống khủng bố.
Tại thời điểm UBCK thành công trong ký MoU với hầu hết cơ quan quản lý TTCK các nước châu Âu, Việt Nam chưa phải thỏa mãn điều kiện: đã ký kết thoả thuận hợp tác liên minh trao đổi thông tin về thuế với các quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc EU. Nếu chậm trễ trong đàm phán, ký MoU, thì từ năm 2015 trở đi, Việt Nam không chỉ phải thỏa mãn thêm điều kiện này, mà còn phải đáp ứng rất nhiều đòi hỏi khắt khe khác do ESMA đặt ra.
Thưa ông, đâu là những nội dung chính của MoU mà UBCK đã ký với 25 cơ quan quản lý TTCK các nước châu Âu?
MoU với các nước thuộc EU không mang tính ràng buộc pháp lý, không trao quyền hoặc thay thế luật trong nước. MoU mang tính khuyến khích trao đổi thông tin một cách tốt nhất. Việc hợp tác giữa các bên chỉ giới hạn trong phạm vi của MoU và bảo đảm tuân theo các quy định của pháp luật trong nước, hoặc không làm tổn hại đến quyền lợi quốc gia.
Theo thoả thuận của MoU, các công ty quản lý quỹ ngoài khu vực EU, EEA được chào bán quỹ đầu tư và quảng bá hoạt động tại EU, EEA; ngược lại, các công ty quản lý quỹ trong khu vực EU được quảng bá hoạt động tại nước tham gia ký kết. Thoả thuận cũng bao gồm hợp tác giám sát hoạt động xuyên biên giới của các ngân hàng lưu ký, các hoạt động thuê ngoài của các công ty quản lý quỹ.
MoU có điều khoản chung về hợp tác cưỡng chế thực thi. Với điều kiện pháp luật của nước sở tại cho phép, cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu cơ quan khác hỗ trợ việc thực thi theo quy định tại Chỉ thị châu Âu số 2011/61/EU về các công ty quản lý quỹ đầu tư thay thế, luật của nước trong EU hoặc pháp luật Việt Nam. Nội dung về cưỡng chế thực thi gồm: tạm dừng hoạt động, phong toả hoặc tịch thu tạm thời tài sản, tạm thời cấm hoạt động một số hoạt động…
MoU với ESMA quy định một số trường hợp các thông tin không công khai cần phải có sự đồng ý, hoặc cần phải thông báo đến thành viên cung cấp ban đầu khi chia sẻ thông tin cho bên thứ ba (ngoại trừ các thành viên tham gia ký MoU với ESMA trao đổi thông tin cho nhau).
Việt Nam đã ký MoU với 25/31 cơ quan quản lý các TTCK châu Âu. UBCK có đề ra mục tiêu ký nốt với các thành viên còn lại, thưa ông?
Từ kinh nghiệm của các thị trường trong khu vực ASEAN như: Singapore, Malaysia, Thái Lan đã ký MoU với ESMA, có một số quốc gia ở châu Âu không sẵn sàng ký MoU. Bởi vậy, cũng như các thị trường trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang chờ đợi để tiếp tục hoàn tất ký MoU với các thành viên còn lại. Việc UBCK thành công trong ký MoU với 25 cơ quan quản lý các TTCK châu Âu, đến nay đã hoàn tất nỗ lực đàm phán và ký MoU ở mức độ tương đương với các quốc gia phát triển khác trong khu vực.
Việc chưa ký MoU với 6 thành viên còn lại trong EU và EEA có ảnh hưởng đến hiệu lực của các MoU đã ký kết, thưa ông?
Không hề ảnh hưởng, bởi ngay sau khi các MoU được ký giữa UBCK và 25 cơ quan quản lý các TTCK châu Âu, thì đã có hiệu lực. MoU là các thoả thuận song phương giữa UBCK với mỗi cơ quan quản lý thị trường vốn thuộc EU và EEA, không phải là thoả thuận chung hay MoU đa phương với các cơ quan quản lý thị trường vốn thuộc EU và EEA. Thông qua MoU này, mỗi cơ quan quản lý thuộc EU và EEA cam kết thắt chặt hợp tác và liên kết với UBCK trong tăng cường bảo vệ NĐT, giữ vững niềm tin vào các thị trường vốn, giảm thiểu rủi ro hệ thống…
Nguồn Đầu tư chứng khoán