Thứ Bảy | 25/08/2012 23:48

Nợ của Bianfishco sẽ được xử lý thế nào?

Từ tháng 9, dự kiến Bianfishco sẽ có tiền trả một phần nợ cho các hộ dân, mua nguyên liệu sản xuất trở lại. Mục tiêu 2013 sẽ hoạt động hiệu quả.
Đây là thông tin chính từ lãnh đạo công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng DATC, ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đưa ra tại buổi họp báo sáng nay (25/8), về việc công bố giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới của công ty cổ phần thủy sản Bình An (Bianfishco) do Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ cấp.

Cùng với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới, SHB chính thức nắm 50% cổ phần của Bianfishco (qua kế thừa sở hữu trước đó của Habubank - vừa sáp nhập vào SHB, qua ủy quyền của cổ đông khác). 48% tỷ lệ sở hữu hiện thuộc về 103 cổ đông khác.



Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, cho biết ngay từ ngày hôm nay ngân hàng này sẽ cử người vào tham gia điều hành, triển khai hoạt động của Bianfishco, cũng như bắt tay vào việc thu xếp vốn để Bianfishco sớm trả nợ cho các hộ dân; trước mắt là 30% trong tháng 9/2012 và sau đó sẽ thỏa thuận cụ thể lộ trình, phương án xử lý với từng chủ nợ.

“Việc trả nợ này được tiến hành trên cơ sở đối chiếu các công nợ, rà soát lại các chứng từ. Công ty cam kết là sẽ trả hết nợ cho nông dân”, ông Lê nói.

Hiện các chủ nợ là các ngân hàng, tổ chức kinh tế đã đồng ý khoanh nợ, giảm lãi, miễn lãi đối với các khoản nợ của Bianfishco trong khoảng thời gian ba năm nhằm sớm đưa công ty đi vào hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả. Đối với một số chủ nợ lớn như BIDV, VDB sẽ đàm phán để chuyển nợ thành vốn góp khi Bianfishco tăng vốn điều lệ.

Trước thông tin trên, luật sư đại diện quyền lợi của các hộ dân mà Bianfishco chưa trả được nợ nêu yêu cầu cần phải có văn bản cam kết cụ thể, lộ trình cụ thể. Các hộ dân mong muốn được trả 30% trước thời điểm 30/8/2012, phần còn lại trả hết trước 30/9/2012. Ngoài ra, việc trả nợ cần bao gồm lãi theo quy định của pháp luật, bởi vốn của các hộ dân chủ yếu là vay ngân hàng và vẫn phải chịu lãi.

Về khoản lãi trả cho nợ gốc, ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc DATC cho rằng, thực tế doanh nghiệp hiện nay đã lỗ quá rồi, thu được nợ gốc đã là tốt. Thậm chí việc trả nợ gốc cũng phức tạp và đòi hỏi các quy trình, thủ tục đúng quy định.

“Tất cả các kế hoạch đặt ra với Bianfishco hiện nay là dự kiến, chỉ có lỗ của công ty là thực. Lỗ của Bianfishco là khoảng 1.000 tỷ đồng, còn theo đánh giá của chúng tôi lỗ còn trên 1.000 tỷ đồng”, ông Quang nói.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc DATC tin tưởng là quá trình tái cấu trúc Bianfishco sẽ sớm được triển khai, dù các bên sẽ còn phải ngồi lại đàm phán, thảo luận với nhau nhiều nữa. Ông cho biết ngay từ tháng 9 tới, Bianfishco sẽ có tiền để trả cho các hộ dân, có tiền để mua nguyên liệu để tổ chức sản xuất trở lại; những khoản tiền đó cũng là đều đi vay.

Về phía SHB, trả lời đề nghị trên của các hộ dân, ông Nguyễn Văn Lê cho biết: “Trước mắt Bianfishco sẽ trả 30% nợ cho các hộ dân, sau đó sẽ thỏa thuận phương án và lộ trình trả nợ cụ thể với từng hộ. Tôi xin khẳng định là sẽ thanh toán toàn bộ số nợ của các hộ dân trong năm 2012”.

Về định hướng sắp tới, theo ông Lê, SHB với tư cách là cổ đông lớn sẽ chủ trì tái cấu trúc toàn bộ hoạt động của Bianfishco; trước tiên là cử nhân sự tham gia vào điều hành hoạt động. Ngoài việc cơ cấu lại nợ vay của các ngân hàng, cũng như xem xét đầu ra xuất khẩu của công ty, SHB sẽ xem xét cho vay để công ty tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho hơn 5.000 lao động.

“SHB sẽ thẩm định để cho vay vốn lưu động, để thu mua nguyên liệu, có sản phẩm xuất khẩu. Dòng tiền xuất khẩu sẽ chuyển thanh toán qua SHB, chúng tôi quản lý dòng tiền ra - vào của công ty. Sau khi công ty hoạt động ổn định, chúng tôi sẽ họp hội đồng quản trị để tính phương án tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng, tổ chức đại hội đồng cổ đông để thông qua.

Tổng giám đốc SHB dự tính, trong năm 2013 tới Bianfishco sẽ hoạt động hiệu quả trở lại; trong ba năm tới dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu công ty này trên thị trường chứng khoán.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện