Soha

 
Bá Ước Thứ Tư | 25/10/2017 17:26

Nợ công vẫn trong tầm kiểm soát

Theo Chính phủ, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam dự kiến vào cuối năm 2017 là 62,6%, so với mức 63,7% của năm 2016.

Nợ công vẫn trong tầm kiểm soát nhờ tăng trưởng GDP ấn tượng

Chính phủ vừa đưa ra báo cáo về tình hình nợ công của đất nước gửi tới các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khóa XIV. Theo báo cáo này, dự kiến cuối năm 2017, nợ công của Việt Nam ở mức khoảng 3,13 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 0,27 triệu tỷ đồng so với mức nợ công của năm 2016 là 2,86 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam dự kiến vào cuối năm 2017 là 62,6%, so với mức 63,7% của năm 2016.

Cũng theo Chính phủ, đến hết năm 2017 nợ Chính phủ là vào khoảng 2,59 triệu tỷ đồng (khoảng 51,8% GDP). Nợ nước ngoài trên GDP vào cuối năm 2017 sẽ là vào khoảng 45,2%.

No cong van trong tam kiem soat

Với dự toán như trên, nợ công vào năm 2018 dự kiến sẽ ở mức khoảng 63,9% GDP, nợ Chính phủ ở mức 52,5% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 47,6% GDP.

Chính phủ khẳng định sẽ quản lý chặt chẽ hơn nữa việc chi tiêu, cân đối thu - chi ngân sách, cũng như huy động vốn ngân sách cho đầu tư phát triển. Việc vay nợ chỉ giới hạn trong phạm vi kế hoạch hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Chính phủ cũng sẽ khống chế hạn mức vay thương mại trung và dài hạn của doanh nghiệp hàng năm tối đa là 5,5 tỷ USD. Mức độ tăng tối đa hàng năm của dư nợ nước ngoài ngắn hạn là 8-10%.

No cong van trong tam kiem soat
Nguồn: Economist Intelligence Unit, Vietdata tổng hợp

Như vậy, nợ công của Việt Nam tính đến hết năm 2018 theo kế hoạch vẫn ở dưới mức trần 65% GDP mà Quốc hội đề ra. Ngoài những biện pháp mà Chính phủ đề cập ở trên, điều này là nhờ kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng trong 3 quý vừa qua. 

Dù trong 2 quý đầu, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 5,7%. Kinh tế Việt Nam đã có bước tăng trưởng đột phá 7,5% trong quý III vừa qua. Tính chung 9 tháng, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,4%. Và chính phủ mới đây cũng đã rất tự tin rằng, tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt được mức đề ra là 6,7%.

Trong một nhận định sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu GPD 9 tháng, HSBC đã đưa ra nhận định rất lạc quan rằng: “Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% do Chính phủ đề ra sẽ làm cho nợ công của đất nước khó vượt mức 65% GDP mà chính phủ đề ra.”

Gareth Leather, chuyên gia kinh tế cao cấp chuyên về châu Á tại Capital Economics khá lạc quan về nền kinh tế Việt Nam khi ông cho rằng tăng trưởng GDP năm 2018 của Việt Nam vẫn sẽ ở mức 6,5% trong năm nay và trong năm tới.

Rủi ro vẫn còn đó

Theo Bộ Tài chính, giả sử mức tăng trưởng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức 6,7%, nợ công sẽ đạt mức cao kỷ lục 64,8% của GDP trong giai đoạn 2017-2018 trước khi giảm dần vào các năm tiếp theo. Như vậy, một trong những yếu tố tiên quyết để giữ nợ công trong tầm kiểm soát là nền kinh tế Việt Nam phải duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng như hiện tại.

Dù khá lạc quan về triển vọng của năm 2018, HSBC cho rằng nền kinh tế vẫn còn đó nhiều nguy cơ sẽ song hành cùng với tăng trưởng kinh tế năm 2018, đặc biệt là khi thương mại toàn cầu giảm mạnh.

Ông Gareth Leather cũng làm rõ rằng rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam đang hình thành. Đặc biệt, ông ngày càng quan ngại về việc nợ đang tăng nhanh. Sự bùng nổ tín dụng trên quy mô mà Việt Nam đang trải qua là không bền vững trong dài hạn. Nợ xấu tăng lên là điều chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi. Được biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong tháng Tám cũng kêu gọi tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21% để khuyến khích đầu tư và tiêu dùng cá nhân.

Ông Leather có lẽ muốn nhấn mạnh đến việc chính sách tiền tệ nới lỏng là một trong những yếu tố chính hỗ trợ cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, HSBC lại không quá quan ngại về tăng trưởng kinh tế nhờ vào tín dụng. Ngân hàng có trụ sở tại London này cho rằng đó không phải là một vấn đề do vai trò của tiêu dùng tư và đầu tư phi nhà nước ngày càng tăng.

Tình trạng nợ nần ngày càng tăng lên của Việt Nam không phải là điều gì đó mới mẻ.

Hồi tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính, Đinh Tiến Dũng cho biết Việt Nam có 3 chủ nợ chính, là Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới. Từ năm 2001 tới nay, nợ từng 3 tổ chức này đã tăng lần lượt 6,8 lần; 20,3 lần và 11,5 lần. 

Moody's cũng dự báo tăng trưởng GDP thực trong năm 2017 ở mức 6,5%, thấp hơn một chút so với mục tiêu của chính phủ là 6,7%. Và tổ chức này cũng chỉ rõ là Việt Nam dễ bị ảnh hưởng tín nhiệm vì căng thẳng Triều Tiên. Những bất ổn chính trị nếu có sẽ khiến của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm và chuỗi cung ứng gián đoạn.