Thanh Hằng Thứ Sáu | 03/11/2017 09:12

Nợ công, tăng thu hay giảm chi?

Bình quân mỗi người Việt Nam đang gánh gần 1.500 USD nợ công, tương đương 38 triều đồng, và nợ công Việt Nam sẽ chạm mức trần 65% của Chính phủ.

Nợ công 2015 ở mức 61% GDP

Thủ tướng: Nợ công Việt Nam đã có xu hướng giảm

Bộ Tài chính: Nợ công có thể đạt đỉnh vào năm nay

Bình quân mỗi người Việt Nam đang gánh gần 1.500 USD nợ công, tương đương 38 triều đồng, và nợ công Việt Nam sẽ chạm mức trần 65% của Chính phủ, số liệu cập nhật năm 2017 của IMF cho biết. Về con số tuyệt đối, cũng chẳng là gì to tát lắm khi người Thái Lan phải gánh đến 2.700 USD, người Malaysia gánh gần 5.500 USD hay người láng giềng Trung Quốc gánh gấp 3 chúng ta, 4.400 USD. Tuy nhiên, điều đáng lo lắng là tỉ lệ nợ trên GDP của Việt Nam lên đến gần 65%, chỉ thua Ấn Độ, và bỏ xa các nước khác trong khu vực. 

No cong, tang thu hay giam chi?
 

Tại sao chỉ trong 10 năm, tỉ lệ nợ công Việt Nam lại tăng hơn gấp rưỡi như vậy, từ mức 39% trong năm 2008 lên đến gần 64% trong 2017? Tỉ lệ này sắp chạm trần, liệu Chính phủ sẽ hành động như thế nào để chúng ta yên tâm?

Chi tăng nhiều hơn thu

Giai đoạn 2010-2017, tuy kinh tế Việt Nam phát triển thịnh vượng nhưng chứng kiến hai nghịch lý, nhà nước chi tiêu nhiều hơn thu nhập có được dẫn đến thâm hụt ngân sách, và tốc độ tăng vay nợ cao hơn tốc độ tăng GDP, tổng sản phẩm làm ra, dẫn đến tỉ lệ nợ công trên GDP ngày một tăng, gây quan ngại về khả năng trả nợ quốc gia. Đây là mối quan hệ qua lại, trong đó việc thâm hụt ngân sách liên tục trong suốt thời gian qua đã gây sức ép lên nợ công, dẫn đến việc tỉ lệ nợ công tăng liên tục qua các năm vì nhà nước tích cực tăng vay mượn để tài trợ cho chi tiêu thâm hụt.

No cong, tang thu hay giam chi?
 

Trong 10 năm qua, năm 2008 là năm có tỉ lệ nợ công thấp nhất, nợ công năm đó chỉ chiếm 39.4% GDP. Kể từ đó trở đi, nợ công không ngừng tăng lên, song hành cùng việc liên tục bội chi ngân sách nhà nước, hay là việc nhà nước luôn tiêu xài vượt quá thu nhập của mình.

Nhìn vào dự toán thu chi ngân sách năm nay, ta thấy nguồn thu nội địa đóng góp 82% của tổng số 1.212 ngàn tỉ đồng dự thu ngân sách, trong khi đó phần lớn khoản chi được dành cho chi thường xuyên, vốn chiếm 64% trong tổng dự chi ngân sách 1.389 ngàn tỉ đồng. Đây là xu hướng chung trong những năm gần đây. Chi thường xuyên đã tăng liên tục từ 52% vào năm 2008 lên đến 65% vào năm 2016. Chi quá nhiều cho bộ máy công chức cồng kềnh, đầu tư dàn trải không hiệu quả trong các dự án của công ty nhà nước là hai câu chuyện “nói hoài, nói mãi” cả chục năm nay, vốn là gốc rễ của tình trạng nợ công tăng cao như bây giờ.

Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, nợ công đến cuối năm 2017 có thể vào khoảng 3.130 nghìn tỉ đồng, tương đương 62,6% GDP, thấp hơn năm 2016 và dự báo trước đây. Trong 3 triệu tỉ đồng nợ công, nợ chính phủ chiếm 82.7%, nợ do chính phủ bảo lãnh chiếm 16% và nợ địa phương chiếm 1.3%. Giai đoạn 2013-2016, nợ chính phủ tăng nhiều nhất, với tỉ lệ tăng bình quân 16,7%/năm, kế đến là nợ địa phương tăng 9,3%/năm, trong khi nợ do chính phủ bảo lãnh tăng khiêm tốn hơn ở mức 7,8%/năm. Mặc dù nợ công và nợ chính phủ tăng nhưng tỉ lệ nợ trên GDP dự kiến lại giảm nhẹ, tương ứng 62,6% và 51,8%, so với mức 63,6% và 52,6% năm 2016.

Theo Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC), Bộ Tài chính ước tính GDP danh nghĩa vào khoảng 5.000 nghìn tỉ đồng, dựa trên giả định GDP thực tế đạt mục tiêu 6.7% và lạm phát cả năm 4%. Các tỉ lệ trên thấp hơn mức trần do Quốc hội đề ra, có thể nới nhờ chi tiêu ngân sách được quản lý chặt chẽ hơn, nền kinh tế tăng trưởng tốt nhờ khu vực FDI và khu vực tư nhân, và Chính phủ đang tìm nguồn thu mới như nguồn thu từ cổ phần hóa, HSC nhận đinh. Cũng theo HSC, từ 2018-2021 sẽ có một lướng lớn trái phiếu chính phủ đáo hạn. Lượng đáo hạn hàng năm có thể vào khoảng 125 nghìn tỉ đồng, bao gồm cả gốc và lãi, cao nhất là vào năm 2021 với 198 nghìn tỉ đồng. Gánh nặng trả lãi sẽ tăng lên trong những năm tới vì Việt Nam dự kiến sẽ không còn được hưởng ưu đãi vay vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác. 

Tăng thu hay giảm chi

Theo dự báo của IMF, nợ công của Việt Nam sẽ vượt 65% kể từ 2018. Tuy nhiên, có vẻ Chính phủ quyết tâm sẽ đưa tỉ lệ này về ngưỡng an toàn, có thể bằng bài toán tăng thu, hoặc giảm chi, hoặc cả hai.

No cong, tang thu hay giam chi?
 

Chính phủ có thể tăng thu bằng cách tăng thuế. Nổi bật là việc việc dự định tăng thuế VAT từ 2019 đang nhận được sự đánh giá trái chiều từ nhiều giới. Một mặt, WB (Ngân hàng Thế giới) ủng hộ việc tăng sắc thuế này, đồng nghĩa với việc thu ngân sách sẽ tăng thêm 43.000 tỉ mỗi năm. Việc tăng thu sẽ giãn áp lực của việc Chính phủ phải cắt giảm ngân sách, vốn là một việc đã quyết tâm thực hiện nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đi đến đâu. Quan sát diễn biến thu ngân sách nhiều năm qua, chuyên viên phân tích vĩ mô của Công ty chứng khoán Rồng Việt cho rằng khả năng tăng thuế VAT từ năm 2019 là rất cao. Trong 3 năm từ 2016-2018, việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đang sở hữu là nguồn thu lớn của ngân sách. Kể từ 2019, khi đã hầu như thoái vốn xong, chính phủ sẽ cần nguồn thu bù đắp, mà thuế VAT là ứng cử viên sáng giá nhất vì tính dễ thu cũng như nguồn thu về lớn.

Hoặc chính phủ có thể giảm tỉ lệ nợ công bằng cách giảm chi. Trái với sự lạc quan của WB, giới chuyên gia lo lắng về việc tăng thuế VAT sẽ gây ảnh hưởng lớn đến người nghèo, làm gia tăng chênh lệch xã hội. Quan điểm của ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển  Đại học Fulbright Việt Nam, là Chính phủ nên tìm cách giảm chi thay vì tăng thu. “Nếu nâng cao hiệu quả chi tiêu công, chống lãng phí, thất thoát thì với mức huy động ngân sách hiện nay sẽ không cần tăng thuế, chỉ cần giảm bội chi”. Liên tục trong nhiều năm, chi thường xuyên là khoản mục chi lớn nhất, chiếm đến 65% ngân sách. Chỉ cần cắt giảm khoản chi này, cộng với việc nâng cao hiệu quả đầu tư là vấn đề nợ công sẽ được giải quyết. Ngược lại, khi nguồn thu tăng lên thì Chính phủ sẽ có cơ hội để tăng chi tiêu, dẫn đến bội chi ngân sách không được kiểm soát.

“Thách thức hiện nay là kiểm soát bội chi ngân sách, củng cố về tài chính. Nếu không có gì thay đổi, vẫn xu hướng bội chi rồi vay nợ để bù đắp bội chi, tăng trưởng lại không đẩy nhanh được thì đến năm 2020 sẽ mất cân bằng, gây rủi ro về an ninh tài chính.”, ông Thành chia sẻ. Trong bối cảnh việc thắt chặt kỉ luật chi tiêu thì khó, mà tăng thu thì dễ, Chính phủ sẽ lựa chọn như thế nào đây?!