Nợ công: Quan trọng là khả năng trả nợ
Báo cáo nghiên cứu về nợ công mới được Học viện Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công bố gần đây đã đưa ra một tỷ lệ nợ công khá cao so với con số trước đó mà Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội hồi tháng 5 vừa qua.
Theo đó, tỷ lệ nợ công so với GDP được Học viện Phát triển tính toán là 66,4%, cao hơn so với tỷ lệ 59,9% do Bộ Tài chính báo cáo.
Lý giải về sự khác biệt này, ông Nguyễn Thạc Hoát – Trưởng khoa Tài chính Tiền tệ, Học viện Phát triển, cho rằng phạm vi xác định nợ công theo Luật Quản lý nợ công 2009 còn có một số bất cập và chưa tính đầy đủ một số khoản nợ có bản chất là nợ công, làm ảnh hưởng đến sự chính xác và cập nhật của số liệu nợ công.
Theo Luật Quản lý nợ công 2009, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ địa phương. Tuy nhiên, ông Hoát cho rằng nợ công nên bao gồm cả nợ của Ngân hàng Nhà nước, nợ của các tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội và nợ không có khả năng thanh toán của DN Nhà nước.
Cách tính trên ngay lập tức bị bác bỏ bởi Bộ Tài chính, do đây không phải là cách tính phù hợp với Luật Quản lý nợ công 2009 đã được Quốc hội thông qua. Thực tế, cần phải nói rằng trên thế giới không có một chuẩn mực về cách tính nợ công. Mỗi một quốc gia, tùy thuộc vào thể chế, khuôn khổ kinh tế mà có một cách tính nợ công khác nhau. Nợ công ở các nước có thể bao gồm hoặc không bao gồm nợ địa phương, nợ của DN Nhà nước hay nợ của các quỹ bảo hiểm xã hội. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tính toán của Học viện Phát triển đưa lại bức tranh toàn cảnh hơn về vấn đề nợ công tại VN.
Thực tế thì tỷ lệ nợ công hiện tại, dù có tính theo cách của Bộ Tài chính hay cách của Học viện Phát triển, có thể sẽ không phải là điều gì đáng lo ngại, nếu như xu hướng nợ không tăng nhanh và VN có khả năng trả nợ tốt.
Ngay cả nghiên cứu của Học viện Phát triển cho rằng tỷ lệ nợ của VN hiện nay vẫn ở mức an toàn và rủi ro vỡ nợ là thấp. Tuy vậy, mức độ an toàn của nợ công được cho là không bền vững, xét về khả năng trả nợ từ nguồn thu ngân sách Nhà nước còn hạn chế và nợ công còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo báo cáo mới nhất do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ công của Việt Nam là khoảng 110 tỷ USD. Với số nợ này, tính theo mức dân số cuối năm 2014 là 90,7 triệu người thì bình quân mỗi người dân Việt Nam “gánh” gần 1.212,8 USD nợ công
Nhưng điều đáng quan ngại nhất, theo WB, là nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh. Tỷ trọng nợ công so với GDP tăng nhanh từ 50% năm 2011 lên 59,6% năm 2014.
Lý do nợ công tăng nhanh ở đây là do thay đổi cơ cấu nợ. Cơ cấu nợ đã thay đổi khi Chính phủ phải tăng vay nợ trong nước qua phát hành trái để bù cho ngân sách, dẫn đến việc nợ trong nước đang tăng nhanh hơn so với nợ vay ưu đãi nước ngoài.
Theo báo cáo của WB, nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn giữ ổn định khoảng 27-28% GDP trong giai đoạn 2010-2014, nợ trong nước tăng nhanh từ 23,1% GDP năm 2010 lên 31,7% GDP năm 2014.
Chuyên gia kinh tế Sebastian Eckardt của WB cho rằng do nợ trong nước có thời hạn ngắn hơn so với vay nước ngoài, nên áp lực trả nợ cũng sẽ tăng theo. Nghĩa vụ trả nợ đã tăng từ 22% năm 2010 lên gần 26% tổng thu ngân sách năm 2014. Chi trả lãi vay hiện chiếm gần 7,2% chi ngân sách, lấn át các khoản chi tiêu khác.
Ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Đại học Kinh tế – Đại học Quốc Gia Hà Nội cho rằng, hiện tại, đầu tư công vẫn chưa được hiệu quả như mong đợi, cùng với đó là năng lực quản lý kém và chi tiêu công thường xuyên vẫn tăng. Nếu như những vấn đề trên được giải quyết, khả năng trả nợ sẽ bền vững hơn và khi đó nợ công không còn là mối lo ngại.
Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp