Nợ công, nợ ngân hàng của Việt Nam được hé mở
Tuy nhiên mới đây Bộ Tài chính qua báo cáo của ông Vương Đình Huệ với Quốc hội đã công bố nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), chính phủ cũng công bố nợ công, và lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên mạng của họ một vài số liệu về tín dụng ngân hàng.
Nợ công
Nợ công theo định nghĩa của Việt Nam chỉ bao gồm nợ của chính phủ (gồm cả chính quyền trung ương và địa phương) hoặc nợ được chính phủ bảo lãnh. Nợ bao gồm nợ vay ngân hàng và nợ qua phát hành công trái, cũng như chi phí phải trả mà chưa trả được.
Nợ công theo định nghĩa quốc tế bao gồm nợ theo định nghĩa của Việt Nam và nợ của doanh nghiệp nhà nước. Nợ theo định nghĩa quốc tế rõ ràng là phù hợp với tình hình Việt Nam. Chính vì nhà nước làm chủ sở hữu chủ của DNNN do đó mà nhà nước không thể phủi tay để chủ nợ đòi bán tài sản thu nợ theo đúng luật phá sản.
Trong nợ nước ngoài của DNN có thể có một phần do chính phủ bảo lãnh cho nên tổng nợ có tính trùng, phải trừ đi khỏi nợ DNNN, cao nhất là 14 tỷ.
Như vậy là tổng nợ công theo định nghĩa quốc tế vào cuối năm 2011 đã là 128,9 tỷ USD bằng 106% GDP (121,7 tỷ USD), cao hơn 90 tỷ USD mà trước đây tác giả ước tính ở mức tối thiểu.
Tổng số nợ của DNNN là 62,1 tỷ USD bằng 55% GDP
Mức trần tỷ lệ nợ công trên GDP không quá 65% GDP vào năm 2015 mà chính phủ đề nghị Quốc hội đã bị vượt qua từ lâu rồi. Không ý thức được điều này thì chính sách trong tương lai sẽ không thể phù hợp.
Theo ông Huệ, hệ số nợ trên tính trên vốn tự có là 1,77. Thông thường, người có 1 đồng vốn có thể dễ dàng đi vay thêm 1 đồng vốn nữa như vậy thì tỷ lệ trên là 1. Nếu tỷ lệ càng cao thì mức rủi ro trong sản xuất càng lớn vì áp lực phải trả lãi.
Với hệ số nợ là 1,77, thì 64% là vốn vay. Chúng ta có thể dễ dàng làm mô hình về khả năng phá sản của công ty. Thí dụ nếu lãi suất trả nợ là 15% nhưng lợi nhuận chỉ là 10% trên vốn đầu tư thì lợi nhuận (tính theo doanh thu trừ chi phí phi tài chính) chỉ đủ trả lãi. Nếu lợi nhuận thấp hơn 10% thì công ty lỗ, mất khả năng trả nợ. Phải chăng đây là trường hợp của hầu hết DNNN và cả DNTN hiện nay?
Theo ông Huệ, có đến 30 tập đoàn, tổng công ty hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó có 8 đơn vị có hệ số trên 10 lần, 10 doanh nghiệp từ 5 – 10 lần, 12 tập đoàn, tổng công ty từ 3 - 5 lần. Như vậy có lẽ 30 tập đoàn này đã mất khả năng trả nợ. Nếu không giảm được lạm phát, qua đó giảm lãi suất thì doanh nghiệp nói chung khó có khả năng sống còn.
Nợ nước ngoài
Hiện nay nợ nước ngoài vẫn chưa được bộ Tài chính công bố cho năm 2011. Con số năm 2010 ở bảng 3 là từ Bộ Tài chính, nhưng con số năm 2011 là ước tính dùng tốc độ tăng của năm trước. Nợ nước ngoài chưa phải là điều đáng lo vì nó chỉ bằng 39,8% GDP.
Tuy nhiên, nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp tăng mạnh những năm gần đây; điều này mới là đáng lo ngại vì thường chúng là nợ trung hạn chứ không phải nợ dài hạn của chính phủ.
So với các nước trong khu vực, tín dụng từ nguồn hệ thống tín dụng nội địa ở Việt Nam là rất cao; tỷ lệ tín dụng lên tới 121% GDP, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam còn ở mức thấp (bảng 4). Dựa vào tín dụng thay vì vốn tự có để phát triển kinh tế dễ đẩy nền kinh tế đến chỗ bong bóng. Tỷ lệ tín dụng cao so với GDP và cụ thể hóa trong Bảng 2 ở tỷ lệ vốn vay trên vốn tự có đã nói rõ lên điều này.
Theo Bản tin số 7 của Bộ tài chính, nợ nước ngoài của DNNN cao nhất là 11,5 tỷ USD (vì con số này gồm cả nợ của doanh nghiệp tư nhân). Vậy thì 26,5 tỷ USD còn lại trong nợ của DNNN ở đâu mà ra. Có lẽ NHNN đã tính sai nợ tín dụng DNNN vào nợ tư nhân không chừng?
Có thể dựa vào số liệu từ NHNN và Tổng cục Thống kê để thấy rằng, phân phối tín dụng trong hệ thống không phản ánh hoạt động chung của nền kinh tế.
Nông nghiệp, thủy sản, lâm sản chỉ được hưởng tỷ lệ tín dụng bằng gần ½ tỷ lệ đóng góp vào nền kinh tế. Ngược lại xây dựng được gần gấp đôi.
Nhưng hầu hết tín dụng (67%) là chui vào khu vực thương mại và dịch vụ, gấp gần gấp hai lần so với mức đóng góp của chúng vào nền kinh tế.
Hình như đây là lần đầu tiên NHNN công bố số liệu như thế này. Thật ra chúng cần được công bố thường xuyên vì vấn đề được đặt ra là hệ thống ngân hàng phục vụ ai trong nền kinh tế.
Thứ nhất, kinh tế Việt Nam phát triển bong bóng vì chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng, bằng cách bơm tiền quá lố. Điều này đưa đến lạm phát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp khi bắt buộc phải thực hiện chính sách chống lạm phát.
Thứ hai, tín dụng của hệ thống ngân hàng được phân phối chủ yếu (67%) vào những hoạt động dịch vụ không rõ ràng. Những hoạt động này có thể là những hoạt động đầy rủi ro như chứng khoán, mua địa ốc (khác hoàn toàn với hoạt động xây dựng tạo ra việc làm), lập ngân hàng, v.v. Có thể nói dường như hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động không nhằm phục vụ sản xuất.
Thứ ba, để có thể cải cách và bốc thuốc đúng lúc, các cơ quan quản lý nhà nước cần minh bạch số liệu thường xuyên, không thể để tình trạng như hiện nay như đã vào cuối năm 2012 mà chỉ mới biết số liệu năm 2011, thậm chí năm 2010. Số liệu tài chính tín dụng cần được xuất bản hàng quý cho mọi người sử dụng.
Nguồn TBKTSG