Nợ công của Việt Nam cao hay thấp?
Trong Báo cáo kinh tế quý I của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa công bố có dẫn số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) về triển vọng kinh tế thế giới (WEO) cho biết, so với một số nước ASEAN, Việt Nam có tỷ lệ nợ công so với GDP cao hơn hẳn.
Nợ công của Việt Nam cao gấp 1,5 đến 2 lần so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines và Campuchia. Song, nếu xét về tăng trưởng GDP năm 2015, Việt Nam có mức tăng trưởng cao hơn các nước này, chỉ sau Campuchia.
Đáng lưu ý nữa là, theo dự báo của IMF, trong nhóm nước này Việt Nam là quốc gia duy nhất có tỷ lệ nợ công/GDP tiếp tục tăng đến gần 68% GDP vào năm 2020. Trong khi đó, từ nay đến năm 2020, một số nước như Malaysia, Philippines, Indonesia… được cho là sẽ giảm mạnh nợ công. Ngay như Myanmar, nợ công cũng giảm mạnh từ 2011 đến nay và dự báo chỉ tăng nhẹ trong các năm tiếp theo.
Nợ công Việt Nam trên Đồng hồ nợ công toàn cầu lúc 8h30 ngày 24/4/2016. |
Theo đánh giá của CIEM, những năm gần đây ngân sách Nhà nước (NSNN) có mức thâm hụt ngày càng tăng. Bội chi NSNN đã tăng từ mức 4,4% GDP năm 2011 lên mức 6,1% GDP năm 2015, cao hơn giới hạn 5% theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020.
Cũng do bội chi NSNN tăng cao, nợ công cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015 (từ mức 50,1% GDP lên 62,2% GDP), tiệm cận giới hạn 65% theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Năm 2015 cũng là năm dư nợ Chính phủ đạt 50,3%, cao hơn giới hạn 50% theo quy định.
Trong khi đó, theo đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock trên trang Economist.com), lúc 8h30 sáng nay (24/4/2016), nợ công của Việt Nam là 94,854 tỷ USD; bình quân nợ theo đầu người ở Việt Nam là 1.039 USD; tỷ lệ nợ so với GDP là 45,6% GDP, mức độ gia tăng nợ là 9,3%/năm.
Theo Global debt clock, nợ công của một số quốc gia tính đến 8h30 ngày 24/4/2016:
Nguồn: Dẫn theo Global Debt Clock. |
Trước đó, đầu tháng 4/2016, Ngân hàng Thế giới cho biết, thâm hụt tài khoá của Việt Nam đạt 6,5% GDP trong năm 2015 là kết quả của giảm thu và tăng chi đầu tư cơ bản và chi thường xuyên. Yếu tố này đã làm áp lực tài khoá tăng lên. Ước tính, nợ công và nợ do nhà nước bảo lãnh (theo quy định của Bộ Tài chính) đã đạt mức 62,5% GDP năm 2015, trong khi năm 2014 con số này là 59,6%.
Do vậy, các khoản nợ này có thể sẽ nhanh chóng chạm mức nợ trần do luật quy định là 65%. Tỉ lệ nợ trên GDP của Việt Nam trong năm 2016 theo nhận định của World Bank sẽ ở mức 63,8% trước khi tăng lên 64,4% vào năm 2017 và 64,7% vào năm 2018. Thâm hụt tài khóa sẽ thu hẹp còn 5,9% GDP so với mức 6,5% năm 2015 và dự báo năm 2017 sẽ là 5,7% và năm 2018 là 5,5%.
Vì thế, WB khuyến cáo: Chính phủ cần đưa ra các biện pháp thích hợp để thực hiện củng cố tình hình tài khoá trung hạn (về phía thu hoặc chi).
Nguồn VOV