NMDC sắp được chính phủ Ấn Độ cho phép mua cổ phần Masan Resources
Theo tờ The Telegraph India đưa tin, Bộ Thép của Ấn Độ đang chuẩn bị ra một văn bản trình lên nội các chính phủ, xin duyệt thuận về nguyên tắc cho công ty khai khoáng quốc doanh NMDC mua cổ phần trong Masan Resources (Upcom: MSN) của Việt Nam. MSN đang vận hành mỏ vonfram (còn gọi là tungsten) lớn nhất thế giới là mỏ Núi Pháo, có trữ lượng vonfram lên đến 66 triệu tấn.
Động thái này có sự hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ, và NMDC có thể sẽ trở thành cổ đông thiểu số của MSN.
Nếu việc này được chấp thuận, NMDC sẽ được quyền tiến hành việc điều tra chi tiết (due diligence) để mua vốn cổ phần của MSN. Việc mua cổ phần thực tế sẽ chỉ diễn ra sau khi NMDC hài lòng với giá cả và các thông số khác.
Vonfram là nguyên liệu quan trọng được sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân và trang thiết bị quốc phòng.
Ấn Độ đang thực thi một kế hoạch năng lượng hạt nhân đầy tham vọng để giảm sự phụ thuộc vào điện than.
Đất nước này có khoảng 8 nhà máy điện hạt nhân với công suất thiết kế là 6.780 MW, và 6sáu lò phản ứng khác đang được xây dựng và sẽ sản xuất thêm 4.300 MW. Kế hoạch của Ấn Độ là tăng tổng công suất phát điện hạt nhân lên 45.000 MW.
Năm ngoái, NMDC đã ký thỏa thuận với công ty Mishra Dhatu Nigam (viết tắt là Midhani) để phát triển các mỏ vonfram và công nghệ chế biến kim loại này.
NMDC dự kiến sẽ nhập khẩu vonfram từ Việt Nam và mời Mishra Dhatu tham gia chế tạo các hợp kim và các sản phẩm khác từ vonfram.
Midhani là một công ty thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ, chuyên sản xuất các loại kim loại và hợp kim chuyên dụng cho các ngành không gian, năng lượng nguyên tử, hàng không, thép, thủy điện và quốc phòng.
Việc tham gia chào mua cổ phần của MSN sẽ giúp Ấn Độ có một nhà cung cấp vonfram đáng tin cậy, trong bối cảnh Trung Quốc đang chi phối thị trường này.
Trung Quốc là nước sản xuất vonfram lớn nhất thế giới, chiếm 4/5 sản lượng. Việt Nam đứng thứ hai, với sản lượng khoảng 5.000 tấn. Nga và Canada cũng nằm trong nhóm những nước sản xuất vonfram hàng đầu thế giới.
Bá Ước
Nguồn Telegraph India