Nikei

 
Bình An Thứ Hai | 08/01/2018 21:29

Nikkei: Người Việt tăng chi phí bảo hiểm, an ninh

Khi thu nhập đầu người tăng lên, người dân Việt Nam cũng đã bắt đầu quan tâm đến mua các dịch vụ đảm bảo "an toàn".

Cô Nguyễn Thu Hằng, một nhân viên văn phòng 37 tuổi ở Hà Nội, gần đây đã gắn một chiếc camera an ninh trong căn hộ của cô tại Hà Nội để theo dõi người làm và đứa con nhỏ thông qua smartphone. Nhưng đó không phải vì cô không tin cậy người làm của mình, mà như cô nói chiếc camera khiến cô cảm thấy an tâm hơn khi có thể quan sát con mình từ nơi làm việc.

Khi tầng lớp trung lưu của Việt Nam ngày một tăng lên nhờ kinh tế tăng trưởng nhanh, nhiều người tiêu dùng tăng chi tiêu cho các sản phẩm và dịch vụ tạo cho họ một cảm giác an toàn và bảo vệ cho cuộc sống vốn đã trở nên sung túc hơn của họ.

Đây rõ ràng là một bước chuyển biến khi mà cho đến gần đây, nhiều người Việt Nam vẫn chỉ quan tâm đến những lo toan thường nhật. Chỉ có khoảng 30% người dân có tài khoản ngân hàng, và khá ít người quan tâm đến tích lũy tài sản. Nhưng khi lối sống thay đổi, cơ hội kinh doanh đang mở ra với các lĩnh vực như bảo hiểm, chăm sóc y tế, làm đẹp và các sản phẩm thực phẩm sức khỏe.

Trong năm 2017, GDP đầu người của Việt Nam hiện vào khoảng 2.300 USD. Tại hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM, con số này là vào khoảng 4.000-5.000 USD, nhiều người dân đã có thể mua xe hơi và các thiết bị gia dụng cần thiết và có xu hướng chăm lo hơn cho cuộc sống của mình.

Vào tháng 11, một tài xế 59 tuổi người Hà Nội đã mua một chương trình bảo hiểm y tế tại một chi nhánh của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi của Nhật Bản ở Việt Nam. Mức phí bảo hiểm hằng năm là 36 triệu đồng cho cả 2 vợ chồng ông có vẻ là hơi đắt ở một quốc gia có mức lương trung bình trong khoảng từ 6-8 triệu đồng. Nhưng công ty bảo hiểm có thể chi trả số tiền lên đến 500 triệu đồng.

Năm 2016, doanh thu của Dai-ichi Life đã tăng 50% so với năm ngoái lên mức 5,3 nghìn tỷ đồng. Đó là mức tăng 11 lần so với năm 2007, khi Công ty bắt đầu hoạt động tại Việt Nam.

Nikkei: Nguoi Viet tang chi phi bao hiem, an ninh
Biểu đồ cột - Doanh số bán bảo hiểm phương tiện giao thông (nghìn tỷ đồng), biểu đồ thị - số học sinh tham gia khóa an toàn giao thông của Việt Nam. Ảnh: Nikkei

Doanh số bán bảo hiểm nhân thọ, các khoản tài trợ giáo dục và bảo hiểm y tế cho trẻ em đang tăng lên. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm tăng 21% lên 47 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu các thiết bị an ninh cũng đang tăng lên. Cam 360, một cửa hàng bán thiết bị an ninh dành cho các ngôi nhà ở Hà Nội, cũng có doanh thu tăng hơn 10%. Máy quay độ nét cao trị giá khoảng 2 triệu đồng và có thể được điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh đang bán chạy.

Nhân viên tại một cửa hàng cho biết khách hàng phổ biến nhất là các nhà hàng và khách mua lẻ. Nhưng bây giờ, nhiều người cũng đang mua camera an ninh cho nhà mình.

Năm ngoái, Tập đoàn Viettel đã tung ra Kiddy, một chiếc đồng hồ thông minh cho trẻ em. Kiddy cho phép người lớn dõi theo vị trí của trẻ theo thời gian thực thông qua hệ thống định vị toàn cầu và có thể thực hiện cuộc gọi đến 20 số điện thoại đã đăng ký.

Kiddy được bán với giá 1,4 triệu đồng, với mức phí dịch vụ hàng tháng từ 30.000- 60.000 đồng. Một cửa hàng tại Hà Nội bán được 100 chiếc trong tháng 11, tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Nhiều người cũng nghĩ về sự an toàn của mình khi tham gia giao thông. Khoảng 170.000 học sinh đã tham gia vào khóa huấn luyện an toàn do Honda Motor trong quý III.2017. Năm 2016, số học sinh tham gia tăng gấp đôi lên 410.000 so với năm 2015.