Niêm yết cổ phiếu ngân hàng Việt Nam đang diễn ra chậm
Các ngân hàng thương mại của Việt Nam đang tỏ ra chậm chạp trong việc niêm yết cổ phần của mình trên thị trường chứng khoán, mặc dù mục tiêu của Chính phủ là niêm yết 10 ngân hàng từ năm 2013 đến năm 2016.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HD Bank) sẽ niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vào tháng 1.2018. Cho đến nay, chỉ mới có 3 ngân hàng được niêm yết trong khoảng thời gian ba năm.
Hiện tại, mới chỉ có 13/35 ngân hàng thương mại Việt Nam đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Nếu thành công, HDBank sẽ là ngân hàng thương mại đầu tiên trong số 8 ngân hàng thương mại Việt Nam muốn niêm yết vào năm 2018. Các ngân hàng khác là Ngân hàng Phương Đông, Techcombank, Ngân hàng Nam Á, VietABank, TPBank, Maritime Bank và SeABank.
HD Bank chủ yếu phục vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tăng trưởng lợi nhuận của Ngân hàng này đạt mức trung bình 35% trong 5 năm qua. HD Bank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng số bán lẻ hàng đầu trong 5 năm tới.
Ngân hàng này được cho là đang đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm mục đích huy động 300 triệu USD từ việc chào bán 20% cổ phần, trước khi chính thức niêm yết. Dịch vụ đầu tư của Moody cho biết, việc gọi vốn thành công sẽ giúp tăng cường cơ sở vốn và tăng các vốn đệm nhằm dự phòng cho những khoản lỗ tiềm năng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng nhanh và thúc đẩy nhiều ngân hàng khác làm theo.
Năm 2017, chỉ có bốn ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. VPBank niêm yết trên HoSE, trong khi các ngân hàng khác như VIB, Kienlongbank và LienVietPostBank được niêm yết trên thị trường UpCom. Ngành ngân hàng đã không thể hoàn thành chỉ tiêu niêm yết 10 ngân hàng thương mại vào cuối năm 2016.
Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải niêm yết cổ phiếu từ năm 2013 nhằm mục đích giảm bớt các tổ chức yếu kém, tăng tính minh bạch trong ngành và xây dựng ngân hàng địa phương đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Chính phủ dự kiến sẽ giãn tiến độ niêm yết đến năm 2020. Niêm yết là một phần kế hoạch cơ cấu lại ngành ngân hàng của Chính phủ khi ngành này phát sinh nhiều nợ xấu.
Vào cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu (NPL) tại các ngân hàng thương mại đã giảm xuống dưới 3% từ khoảng 20% trong năm 2012 và 2013.
Một số nhà phân tích cho rằng trần sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng có thể khiến các nhà đầu tư phải bỏ cuộc. Hiện tại, mức trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng là 30%. Nikkei cho biết vào năm 2015, chính phủ Việt Nam đã hứa tăng giới hạn này lên, nhưng tới giờ vẫn chưa thực hiện. Một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hiện được phép sở hữu tối đa 20%, trong khi một ngân hàng nước ngoài chỉ sở hữu tối đa 10% và một nhà đầu tư không phải là ngân hàng chỉ có thể nắm giữ 5% cổ phần tại một ngân hàng Việt Nam.
Nguồn Nikkei