Niềm tin của thị trường vào hệ thống ngân hàng được cải thiện rõ rệt
Có thể nói trong năm 2013 vừa qua, ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Tôi nhớ là vào thời điểm cách đây hai năm, tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2011, anh Bình (Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình - PV) trình bày Đề án làm sao để cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém trước nguy cơ sụp đổ. Lúc đấy tôi có cảm giác là nhiều ngân hàng ở trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, nguy cơ đổ vỡ dây chuyền là rất lớn. Nhưng sau 2 năm, bằng nhiều biện pháp điều hành, ngành Ngân hàng đã thoát ra được bế tắc.
Trong năm 2013, nỗ lực tích cực nhất của ngành Ngân hàng mà tôi thấy được là việc dùng các biện pháp hành chính để can thiệp vào thị trường tiền tệ đã giảm nhiều. NHNN chủ yếu dùng các biện pháp gián tiếp để điều hành các vấn đề liên quan đến lãi suất, còn thị trường thì để nó tự điều chỉnh theo cơ chế của nó. Chính cách này đã làm cho niềm tin của thị trường vào hệ thống ngân hàng tăng lên mạnh mẽ.
Một vấn đề thứ 2 theo tôi thấy là năm 2013 vừa qua, hệ thống các ngân hàng đã đảm bảo khá tốt việc tiêu thụ lượng trái phiếu Chính phủ, giúp Chính phủ cân đối được chi tiêu và có tiền để tái đầu tư. Thực tế trái phiếu Chính phủ có đến hơn 90% các TCTD tham gia mua vào. Đó cũng là một đóng góp quan trọng của Ngành cho hoạt động chi thường xuyên và đầu tư ra xã hội của Chính phủ.
Riêng đối với vấn đề giải quyết nợ xấu thì tôi cho rằng, đến thời điểm này hệ thống ngân hàng phải được xem là dũng cảm. Bởi vì để giải quyết nợ xấu, thông thường các nước khác họ dùng một khoản tiền riêng 20-30% tổng nợ xấu để xử lý. Trong khi đó ở Việt Nam, ngành Ngân hàng lãnh trách nhiệm này mà chỉ dùng chính các biện pháp công cụ của NHTW để xử lý nợ, không dùng nguồn tiền nào từ bên ngoài mà vẫn đang có nhiều biến chuyển theo hướng tích cực.
Theo tôi, trong năm 2014 và 2015 tới đây, thách thức lớn nhất đối với hệ thống ngân hàng vẫn là làm sao đảm bảo cân đối được tăng trưởng tín dụng và xem xét hạ lãi suất kỳ hạn dài trong chừng mực, đáp ứng nhu cầu tái cấu trúc DN trên tinh thần không để DN “chết” thêm. Trong năm mới, việc giải quyết nợ xấu ở lĩnh vực bất động sản cũng sẽ tạo ra áp lực lớn cho ngành Ngân hàng vì tính thanh khoản không cao nên đến thời điểm đáo hạn, các khoản nợ sẽ tăng lên. Trong khi đó, các ngân hàng chỉ có thể gỡ dần dần chứ không thể nôn nóng được.
Nói tóm lại, tôi cho rằng nếu như cuối năm 2012, chúng ta còn quá nhiều lo lắng chưa biết tương lai của hệ thống ngân hàng sẽ như thế nào thì hiện nay chúng ta đã có thể khá yên tâm vì niềm tin của thị trường đối với ngân hàng đã được cải thiện rõ nét, ngành Ngân hàng đã bắt đầu đi vào quỹ đạo phát triển khá bền vững.
TS. Trần Du Lịch
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh
Nguồn CafeF