Nielsen: Niềm tin tiêu dùng Việt Nam xuống thấp nhất từ 2009
Nhìn chung, hơn một nửa (52%) các quốc gia được Nielsen làm khảo sát đã lạc quan hơn trong quý này, tăng so với 41% trong quý trước. Chỉ số niềm tin tiêu dùng trong quý III/2012 tăng ở 30 trong số 58 nước khảo sát, giảm tại 19 nước và không đổi tại 7 nước.
Tuy nhiên, Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục giảm 8 điểm, xuống còn 87 điểm, trong quý III/2012. Đây là mức thấp nhất kể từ quý I/2009.
Chỉ 40% người Việt Nam được phỏng vấn cho biết, họ cảm thấy triển vọng công việc sẽ tốt hoặc rất tốt trong năm tới, giảm 6% so với quý II/2012 và 18% tính từ đầu năm. Việt Nam, Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan Nhật Bản là 5 quốc gia bi quan nhất khu vực về triển vọng việc làm trong quý III này.
42% người tiêu dùng Việt Nam tin rằng tình hình tài chính cá nhân của họ sẽ tốt hoặc rất tốt trong 12 tháng tới, giảm từ 51% trong quý II/2012. Tâm lý thận trọng của người tiêu dùng tăng khi có đến 73% người được hỏi thừa nhận bây giờ không phải là thời điểm thích hợp để mua sắm.
Với giá xăng tăng liên tiếp 5 lần trong quý III vừa qua, có đến 24% người Việt Nam tham gia khảo sát cho biết, chi phí sinh hoạt tăng (điện, gas, chất đốt,…) là quan ngại lớn nhất của mình, kế đến là tình hình kinh tế và công việc đảm bảo, với lần lượt 20% và 16%.
“Kết quả khảo sát trong quý III đã phản ánh tình hình không tốt cũng không xấu khi đại đa số người tiêu dùng vẫn giữ tâm lý thận trọng và chờ đến khi tình hình kinh tế khả quan hơn”, TS. Venkatesh Bala, nhà kinh tế học đứng đầu viện Cambridge nói.
Tâm lý thận trọng thể hiện rõ ở người tiêu dùng Việt Nam khi 91% người được hỏi thừa nhận mình đã thay đổi thói quen mua sắm so với năm ngoái để tiết kiệm sinh hoạt phí, tăng từ 86% trong quý II và 84% trong quý I/2012. Gas và điện vẫn là khoản được tiết kiệm nhất với 68% lựa chọn của người tiêu dùng, kế đến là quần áo mới (67%), giải trí ở ngoài (66%) và chi phí điện thoại (55%).
Nguồn Báo Đầu tư