Nhượng quyền dự án cao tốc: Những câu hỏi khi chưa có tiền lệ
Đến thời điểm này, nhiều khả năng, Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ là công trình hạ tầng đầu tiên tại Việt Nam chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài.
Cụ thể, theo hợp đồng nguyên tắc được ký trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa kết thúc giữa tuần này, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) sẽ chuyển nhượng phần lớn Dự án cho nhóm 3 nhà đầu tư nước ngoài do một công ty Ấn Độ đứng đầu.
Mặc dù nội dung của bản hợp đồng được các bên bảo mật, nhưng theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, Vidifi và các nhà đầu tư sẽ cùng thành lập một pháp nhân mới dưới hình thức công ty cổ phần để tiếp nhận lại, sở hữu, đầu tư và vận hành Dự án theo hợp đồng BOT đã ký với Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).
Theo đó, công ty cổ phần này có vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó Vidifi sẽ góp 30% vốn điều lệ, nhóm nhà đầu tư nước ngoài góp 70% vốn còn lại. Ngoài công ty cổ phần, các bên cũng thống nhất sẽ tiếp tục góp vốn với tỷ lệ tương tự tại một doanh nghiệp có nhiệm vụ vận hành và bảo trì trong toàn bộ thời gian khai thác, thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT. Để chi trả cho việc chuyển nhượng này, công ty cổ phần sẽ thanh toán cho Vidifi một khoản tiền tương ứng với phần vốn chủ sở hữu và những chi phí liên quan đã đầu tư vào Dự án.
Hiện chưa rõ những điều kiện cần để Vidifi nhận được khoản thanh toán nói trên, nhưng theo một chuyên gia tài chính, đối tác Việt Nam chắc chắn phải có trách nhiệm đảm bảo tính khả thi tài chính cho công ty cổ phần Dự án trên cơ sở tổng mức đầu tư mới sẽ được điều chỉnh từ 24.566 tỷ đồng lên 45.522 tỷ đồng.
Dự kiến, thời điểm tiếp nhận Dự án được thực hiện sau khi công trình đưa vào khai thác và được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng nghiệm thu.
Cần phải nói thêm rằng, công tác đàm phán chuyển nhượng Dự án được đối tác Việt Nam giữ rất kín, dù việc thoái một phần vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - cổ đông lớn nhất tại Vidifi đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện ngay từ năm 2010.
Được biết, trên thực tế, ngay từ đầu năm 2014, Vidifi đã cho phép nhóm nhà đầu tư này nghiên cứu và tìm hiểu về Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhằm đi đến việc hợp tác đầu tư. Đến đầu tháng 9/2014, một biên bản ghi nhớ hợp tác đã được Vidifi và nhóm nhà đầu tư ký kết.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu thương vụ này thành công, thì đây sẽ là công trình hạ tầng đầu tiên tại Việt Nam được chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, thương vụ này cũng sẽ mở lối thoát cho VDB trong việc cơ cấu lại cổ đông và tỷ lệ vốn góp với mục tiêu rút toàn bộ phần vốn góp bổ sung tại Vidifi để tập trung vào nhiệm vụ chính của Ngân hàng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2405/TTg-KTN.
Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng với quy mô 6 làn xe hiện là tuyến đường bộ có tính khả thi cao nhất ở khu vực phía Bắc hiện nay. Khi hoàn thành tuyến đường vào năm 2015, tuyến sẽ rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội tới các cảng cửa ngõ ở Hải Phòng từ 3 giờ xuống còn hơn 1 giờ.
Làn sóng đầu tư mới?
Ngay sau phát pháo lệnh từ Vidifi, nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông lớn nhất hiện nay là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã lên phương án bán quyền thu phí 5 cao tốc dài 540 km, có tổng mức đầu tư lên tới 125.572 tỷ đồng, đó là Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành.
Tại 5 dự án nói trên, vốn ngân sách nhà nước tham gia đầu tư trực tiếp là 71.555 tỷ đồng (chiếm 57%); VEC tự huy động 54.000 tỷ đồng (chiếm 43%) từ nguồn vốn phát hành trái phiếu công trình, vốn vay vay thương mại (OCR) của ADB và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD).
Theo đó, VEC đang xây dựng phương án cổ phần hóa Tổng công ty song song với việc xây dựng phương án thành lập các công ty cổ phần dự án, phương án chuyển nhượng quyền thu phí để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia.
"Đây là một chủ trương mới, chưa từng có tiền lệ, nhưng nếu thực hiện thành công sẽ góp phần giảm áp lực đầu tư công và vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; giúp VEC sớm thu hồi vốn, để có nguồn lực đầu tư triển khai các tuyến đường cao tốc khác đã được Chính phủ, Bộ GTVT phê duyệt", ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết.
VEC đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT rà soát, nghiên cứu các cơ sở pháp lý cho việc triển khai chủ trương nói trên, tiến hành thăm dò nhu cầu thị trường, tính toán các phương án hợp lý nhất để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia góp vốn phù hợp với các quy định của pháp luật và nhu cầu huy động vốn của Tổng công ty.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, nếu bán cả Dự án mà khó thì chia nhỏ ra để bán. Chẳng hạn, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đoạn Lào Cai - Yên Bái khó bán thì ưu tiên bán phần Hà Nội - Yên Bái trước, thậm chí trong đoạn này, có thể chia nhỏ hơn nữa. "Phải tính toán mức phí sao cho nhà đầu tư đảm bảo thu hồi vốn, nhưng doanh nghiệp, người dân cũng chịu đựng được", ông Thăng yêu cầu.
Theo các chuyên gia, còn quá sớm để có thể khẳng định sẽ có làn sóng đầu tư theo hình thức nhượng quyền thu phí các dự án đường cao tốc, bởi những công trình này thuộc tài sản công, nên việc cổ phần hóa hoặc chuyển nhượng, bán quyền thu phí sẽ gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách cũng như tính pháp lý.
"VEC sẽ nghiên cứu đầy đủ tính khả thi, các cơ sở pháp lý. Sau khi xây dựng xong Đề án, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ GTVT xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo cơ sở pháp lý để có thể triển khai trong thời gian sớm nhất", ông Mai Tuấn Anh cho biết.
Nguồn Đầu tư