Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,2 triệu đồng/lượng và 68,8 triệu đồng/lượng. Ảnh: TL.

 
Quốc Cường Thứ Hai | 04/07/2022 14:02

Những yếu tố tác động lớn đến giá vàng tuần này

Giá vàng được nhận định là sẽ không ổn định trong ngắn hạn do việc thắt chặt chính sách tài chính toàn cầu.

Sáng 4/7, giá vàng miếng trong nước tăng nhẹ hoặc đi ngang, duy trì chênh lệch cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi 17-18 triệu đồng/lượng. Bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trái chiều, giá vàng thế giới gần đây dao động quanh mốc 1.800 USD/oz. Theo các chuyên gia nước ngoài, trong ngắn hạn, giá vàng thế giới sẽ không ổn định do việc thắt chặt chính sách tài chính toàn cầu. Điều này đang hạn chế đà tăng của vàng, trong khi rủi ro suy thoái tiềm ẩn đang thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn đối với kim loại quý này.

Theo nhận định của chuyên gia Sugandha Sachdeva thuộc tổ chức nghiên cứu tiền tệ và hàng hóa Religare Broking, có 3 yếu tố có thể quyết định giá vàng trong tuần này: Thứ nhất là sự chuyển động của chỉ số USD, thứ hai là cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với các dấu hiệu về đường lối chính sách tiền tệ, thứ ba là dữ liệu sắp công bố về bảng lương khu vực phi nông nghiệp của Mỹ và dữ liệu lạm phát tiền lương.

 

Ông Anuj Gupta, Phó chủ tịch nghiên cứu hàng hóa và tiền tệ tại IIFL Securities cho rằng còn 1 yếu tố nữa có thể tác động đến giá vàng trong tuần này, đó là giá dầu thô. "Dầu thô có liên quan trực tiếp đến dòng chảy của đồng USD và do đó, bất kỳ sự gia tăng nào của dầu thô dự kiến sẽ gây áp lực lên USD trên thị trường ngoại hối. Vì vậy, nhà đầu tư cần phải theo dõi giá dầu thô và các hàng hóa khác, giá dầu thô dự kiến sẽ kích hoạt giá vàng dao động về phía bắc", Phó chủ tịch IIFL Securities nhận định.

Trong vòng 2 tháng trở lại đây, giá vàng thế giới đã dao động trong khoảng từ trên 1.800 USD/oz cho đến dưới 1.900 USD/oz. Dù đã và đang chịu áp lực giảm từ chính sách tiền tệ thắt chặt cùng sự tăng giá của đồng USD, nhưng mặt khác vàng cũng được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế. Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh, vàng đã giữ giá tương đối tốt, chỉ giảm khoảng 1% trong 6 tháng đầu năm.

 

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng giá vàng sẽ khó bứt phá chừng nào chưa có thêm các số liệu thống kê cho thấy lạm phát ở Mỹ đã đạt đỉnh và tăng trưởng giảm tốc. Một khi lạm phát qua đỉnh và nền kinh tế tăng chậm lại, Fed mới có thể giãn bớt tiến độ tăng lãi suất, từ đó mở đường cho sự đi lên của giá vàng.

Tuần trước, các nhà đầu tư trên thị trường vàng đã thể hiện sự thận trọng khi Fed tuyên bố có thể chấp nhận nguy cơ suy thoái kinh tế để lặp lại sự ổn định của giá cả. Nhiều chuyên gia dự báo cho dù Fed có thắt chặt mạnh tay đi chăng nữa, giá vàng vẫn nhiều khả năng duy trì mốc 1.800 USD/oz.

Tại TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,2 triệu đồng/lượng và 68,8 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với cuối tuần.

Có thể bạn quan tâm:

Giá xăng: Hợp lý & vô lý