Nhu cầu nhập khẩu của khối trong nước tăng cũng dẫn đến áp lực mất giá đối với tiền đồng trên thị trường chính thức. Ảnh: TL.

 
Thanh Tâm Chủ Nhật | 10/03/2024 20:27

Những yếu tố nội tại tác động đến diễn biến tỉ giá

Luỹ kế từ đầu năm đến nay, tiền đồng đã mất giá khoảng 1,6% trên thị trường liên ngân hàng và 2,7% trên thị trường tự do.

Áp lực mất giá của đồng VND tiếp tục duy trì trong tháng 2 khi tiền đồng tiếp tục mất giá thêm 0,91% trong tháng 2, cao hơn mức mất giá 0,6% trong tháng đầu năm. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, tiền đồng đã mất giá khoảng 1,6% trên thị trường liên ngân hàng và 2,7% trên thị trường tự do. 

Trong diễn biến trên, chỉ số đồng USD tăng chậm lại trong tháng 2/2024, hiện đang giao dịch ở mức 103,9, tương ứng tăng 0,6% so với cuối tháng 1/2024 và tăng 2,5% so với đầu năm. Tương tự như diễn biến của chỉ số đồng USD, các đồng tiền khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục mất giá so với đồng USD trong tháng 2 nhưng mức biến động cũng thấp hơn tháng đầu năm.

 

So với các đồng tiền chịu áp lực mất giá trong hai tháng đầu năm nay, mức mất giá của tiền đồng cao hơn so với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc nhưng ở mức vừa phải so với các đồng tiền khác ở khu vực. 

Trong báo cáo mới nhất về tình hình vĩ mô trong nước, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã chỉ ra những yếu tố nội tại tác động đến diễn biến của tỉ giá USD-VND). 

Đầu tiên, giá vàng thế giới đang phục hồi trở lại từ nửa cuối tháng 2/2024 thúc đẩy đà tăng của giá vàng trong nước. So với đầu năm, mặc dù giá vàng thế giới giảm 0,5% nhưng giá vàng SJC đã tăng 5,0% do đặc trưng của thị trường vàng miếng. Thông thường, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng lớn thì áp lực tăng giá của tỉ giá USD-VND càng mạnh, đặc biệt là tỉ giá trên thị trường tự do. 

Thứ hai, dữ liệu thương mại hai tháng đầu năm 2024 cho thấy mặc dù thặng dư thương mại tổng thể mở rộng so với 2 tháng đầu năm 2023 nhưng thâm hụt thương mại của khu vực trong nước cũng có chiều hướng tăng mạnh. Cụ thể, khối trong nước nhập khẩu 19,6 tỉ USD trong hai tháng đầu năm 2024, ghi nhận thâm hụt thương mại 3,9 tỉ USD và tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ. Nhu cầu nhập khẩu của khối trong nước tăng cũng dẫn đến áp lực mất giá đối với tiền đồng trên thị trường chính thức. 

 

Thứ ba, chênh lệch dương lãi suất USD-VND tăng trở lại trong những ngày gần đây, ngầm hiểu rằng tác động của hoạt động carry trade đối diễn biến của tiền đồng chưa chấm dứt. Ngoài ra, việc lãi suất huy động tiền đồng đang giảm về mức thấp cũng là yếu tố làm tăng tính hấp dẫn đối với các kênh tài sản khác gồm ngoại tệ và vàng. 

Trong khi đó, yếu tố đối trọng đơn lẻ mà VDSC nhận thấy chỉ là hoạt động giải ngân vốn đầu tư FDI tích cực trong 2 tháng đầu năm 2024, đạt 2,8 tỉ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. 

“Hiện tại, chúng tôi không quá quan ngại về áp lực mất giá tiền đồng do tỉ giá USD/VND vẫn biến động trong biên độ cho phép. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cần tận dụng các công cụ như dự trữ ngoại hối hay đưa ra giải pháp mới quản lý thị trường vàng để hạn chế bớt đà mất giá của tiền đồng trong tháng 3/2024”, VDSC nhận định. 

(Carry trade: Các nhà đầu tư bán hoặc vay các đồng tiền có lãi suất thấp để thu lại lợi nhuận từ việc mua vào các đồng tiền có lãi suất cao hơn). 

Có thể bạn quan tâm 

519.600 tỉ đồng được đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm