Nhiều yếu tố trở thành điểm sáng để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Ảnh minh họa: KD

 
Nhật Anh Thứ Sáu | 21/07/2023 19:00

Những “thỏi nam châm” hút vốn FDI vào Việt Nam

Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp FDI.

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nhiều yếu tố trở thành điểm sáng để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. 

Đầu tiên là việc thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo KIS, đầu tư công cho phát triển cơ sở hạ tầng cùng với Quy hoạch điện 8 vừa được phê duyệt và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ là những động lực quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong dài hạn. 

 

Thứ hai là lợi thế nhân công giá rẻ. “Nhân công giá rẻ tại Việt Nam là thỏi nam châm thu hút các nhà sản xuất nước ngoài so với các đối thủ cạnh tranh”, KIS nhận định. 

Với thị trường lao động rộng lớn khoảng 52 triệu người và tỉ lệ tham gia lao động cao lên đến 76%, Việt Nam cung cấp một lực lượng lao động đáng kể cho các doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, chi phí lao động hàng tháng tại Việt Nam vào khoảng 171 USD, thấp hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh.

Thứ ba là vị trí chiến lược. Theo KIS, vị trí chiến lược của Việt Nam ở Đông Nam Á cho phép tiếp cận các tuyến vận tải biển cũng như các thị trường lớn ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cảng Singapore ở gần Việt Nam, một trung tâm thương mại toàn cầu quan trọng, giúp tăng cường năng lực thương mại và hậu cần của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và kết nối với hơn 600 cảng trên toàn thế giới. Sự kết hợp thuận lợi giữa vị trí của Việt Nam và khả năng cảng của Singapore mang lại lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp tham gia vào thương mại khu vực và toàn cầu.

 

Ngoài ra, tỉ giá USD/VND ổn định cũng là một trong những điểm thu hút tại thị trường Việt Nam. Theo biên bản cuộc họp tháng 3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), có thể cần thêm hai lần tăng lãi suất trong năm nay để giải quyết lạm phát cao, đưa mức lãi suất lên 5,6%. Tuy nhiên, góc nhìn hiện tại của KIS, chưa có áp lực đáng kể nào về tỉ giá hối đoái nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ. 

Theo góc nhìn của KIS, lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục là lĩnh vực chủ yếu tiếp nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Yếu tố then chốt khiến lĩnh vực này hấp dẫn vốn ngoại là vị trí thuận lợi của Việt Nam về nguồn lao động, ổn định chính trị và hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng. 

Bên cạnh những “thỏi nam châm” hút FDI, trong ngắn hạn, việc thực thi thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% đối với FDI bắt đầu từ năm 2024 sẽ vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam. Theo dự đoán, thay đổi thuế sẽ gây lo ngại về sự xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư, cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia và chiến lược thu hút FDI. Tuy nhiên, KIS cho biết Chính phủ dự kiến sẽ đề xuất các giải pháp chính sách và lộ trình áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu. 

Nhìn chung, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có sức hút đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp FDI. 

Có thể bạn quan tâm 

Kỳ vọng xuất khẩu Việt Nam phục hồi từ quý IV/2023