Thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam là Mỹ có hy vọng phục hồi nhu cầu trong năm 2021 với gói kích thích 1.900 tỉ USD. Ảnh: TL.
Những thị trường tiềm năng cho dệt may Việt trong năm 2021
Theo tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên 2021, ban lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam đánh giá thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam là Mỹ có hy vọng phục hồi nhu cầu trong năm 2021 với gói kích thích 1.900 tỉ USD, tiến độ tiêm vaccine triển khai tích cực. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc khá tiềm năng và kỳ vọng sẽ dần trở thành nước tiêu thụ hàng dệt may lớn của Việt Nam.
Nguyên nhân đến từ chiến lược 5 năm lần thứ 14 của ngành dệt may Trung Quốc sẽ không tập trung sản xuất hàng may mặc. Số liệu quý I/2021, cho thấy xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Trung Quốc tăng trưởng tốt nhất trong 5 thị trường lớn và vươn lên bằng kim ngạch xuất khẩu vào EU của Việt Nam.
Ngược lại, châu Âu đứng trước nguy cơ dịch tái bùng phát lần 3 và kinh tế Nhật Bản chưa phục hồi dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu dệt may tại 2 thị trường này gặp nhiều thách thức.
Theo dự báo, quý III/2020 dệt may thế giới mới phục hồi trở lại bằng năm 2019, theo kịch bản chậm thì đến quý IV/2023. Ảnh: TL. |
Mặt khác, xu thế tiêu dùng hàng may mặc thay đổi, tăng nhu cầu hàng mặc thông thường, thể thao trong khi công sở và lễ phục, những mặt hàng thế mạnh của tập đoàn giảm. Các doanh nghiệp may mặc có đơn hàng tính đến hết quý II nhưng giá thấp và chưa có hiệu quả.
Theo dự báo của McKinsey với kịch bản sớm thì đến quý III/2020 dệt may thế giới mới phục hồi trở lại bằng năm 2019, theo kịch bản chậm thì đến quý IV/2023. Từ đó, Vinatex xây dựng kế hoạch doanh thu và thu nhập hợp nhất 17.365 tỉ đồng, tăng 17%; lợi nhuận 700 tỉ đồng, tăng 18% so với thực hiện năm trước. Cổ tức dự kiến 6%.
Năm 2021, tập đoàn dành ngân sách 536 tỉ đồng cho 3 dự án. Đó là dự án đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng quận 1, TP.HCM tổng đầu tư 483 tỉ đồng; nhà máy sợi Nam Định – giai đoạn 2 tại Nam Định tổng đầu tư 635 tỉ đồng; dự án tòa nhà văn phòng, cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội có tổng đầu tư 186 tỉ đồng.
Năm 2020, tập đoàn ghi nhận 13.909 tỉ đồng, giảm 27% so với năm trước; lãi sau thuế 561 tỉ đồng, giảm 22%. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 328 tỉ đồng, giảm 37%. Với kết quả này, Hội đồng quản trị trình phương án không chia cổ tức năm 2020.